Lăng kính bạn đọc:

Cần tập trung nguồn lực cho sân bay Long Thành

Đ.Huân
(tổng hợp)
23/04/2023 06:07 GMT+7

Ngoài việc truy trách nhiệm cá nhân, đơn vị trong việc trễ tiến độ sân bay Long Thành, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan quản lý bằng mọi giá phải tìm cách tháo gỡ vấn đề này.

Như Thanh Niên thông tin, trong báo cáo Chính phủ ngày 11.4, Bộ GTVT cho biết việc san nền của dự án sân bay Long Thành mới đạt 71,9 triệu m3 trên tổng số 115 triệu m3, tương đương 62,5%. Đường găng của dự án là nhà ga hành khách (gói thầu 5.10) trị giá 35.233 tỉ đồng vẫn chưa rõ tiến độ hoàn thành.

Trước đó, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) phải hủy đấu thầu lần 1 với gói thầu 5.10 dù đã 2 lần gia hạn thời điểm đóng thầu. Lý do, duy nhất liên danh Coteccons - Vinaconex - Central - Phục Hưng Holdings - R.E.E - Hòa Bình - HAWEE - Delta nộp hồ sơ. Theo Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng, các yếu tố đầu bài ACV đưa ra chưa phù hợp, tiến độ thực hiện gói thầu thi công xây dựng nhà ga hành khách và lắp đặt thiết bị trong 33 tháng là hoàn toàn bất khả thi. Đơn giá dự toán cũng được cho là quá thấp nên các nhà thầu không tham gia dù rất muốn.

Tới thời điểm này, mốc khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành vẫn chưa thể xác định. Trong trường hợp được Quốc hội chấp thuận điều chỉnh tiến độ, nếu tính cả thời gian phải hủy thầu, đấu thầu lại và thời gian xây dựng kéo dài dự kiến, gói thầu nhà ga hành khách sẽ kéo dài thêm ít nhất 12 tháng so với tiến độ ban đầu. Nếu đấu thầu lần 2 thành công, tiến độ hoàn thành phải kéo dài tới tháng 12.2026, hoặc hơn nữa.

Lăng kính bạn đọc: Cần tập trung nguồn lực cho sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Hầu hết các hạng mục quan trọng của dự án sân bay Long Thành đều đang chậm tiến độ

Lê Lâm

Không chỉ vướng hạng mục nhà ga, giải phóng mặt bằng (GPMB) tiếp tục là rào cản tiến độ dự án. Theo tiến độ được Quốc hội, Chính phủ giao, giai đoạn 2017 - 2021 phải xong mặt bằng phục vụ cả giai đoạn 1 và 2 của dự án. Tổng vốn đầu tư cho GPMB hơn 22.856 tỉ đồng, trong đó ưu tiên mặt bằng phục vụ thi công giai đoạn 1, song tới nay mặt bằng dự án vẫn chưa được bàn giao xong.

Với dự án thành phần 4, cuối tháng 3.2023, Bộ GTVT đã phải có văn bản thúc giục Cục Hàng không VN. Trước đó, Bộ GTVT đã phê duyệt 11/11 danh mục dự án và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư 2 dự án (khai thác khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất và khu xử lý vệ sinh máy bay số 1, số 2). Tuy nhiên, tiến độ triển khai chưa đáp ứng tiến độ tổng thể theo yêu cầu của Bộ GTVT. Cụ thể, tính đến giữa tháng 3.2023, có tới 9/11 dự án chưa được Cục Hàng không VN trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư và 11/11 dự án chưa tổ chức lựa chọn nhà đầu tư do chưa xác định được giá sàn nộp ngân sách nhà nước.

Càng để lâu, chi phí phát sinh càng lớn

Việc sân bay Long Thành không thể hoàn thành vào mốc 2025 như yêu cầu của Quốc hội khiến bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bức xúc. "Muôn đời vẫn là câu chuyện quản lý. Bài toán này đến bao giờ mới giải quyết được đây. Không riêng gì sân bay Long Thành, cả dự án metro tại TP.HCM cũng rơi vào trường hợp tương tự, vậy sao không rút được kinh nghiệm?", BĐ Quốc Tuấn bức xúc.

BĐ Quang Vũ ý kiến: "Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc chậm trễ này? Tại sao những dự án trọng điểm, đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế lại không tập trung nguồn lực để xử lý? Càng để lâu, chi phí phát sinh càng lớn. Sự chậm trễ đang làm tổn thất rất nhiều tiền của của nhà nước". Tương tự, BĐ Phúc Nguyễn viết: "Những dự án lớn thế này nếu chậm trễ sẽ phát sinh rất nhiều chi phí, chưa kể ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế du lịch. Nhà thầu cần có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý để xử lý ngay".

"Thà tốn thêm tiền thuê nhà quản lý chuyên nghiệp, nhưng sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí phát sinh, chi phí "do không dự trù trước". Trễ tiến độ chung quy do ACV vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thiếu năng lực quản lý…", BĐ Đặng Dũng thẳng thắn.

Tìm mọi cách tháo gỡ

Theo BĐ Nguyễn Hiền, có nhiều lý do dẫn đến việc chậm trễ mà có thể thông cảm được như vốn, nhân lực, điều kiện thời tiết… "Tuy nhiên, ở vai trò nhà thầu hay đội ngũ quản lý, cần phải biết rõ nguyên nhân từ đâu và có biện pháp xử lý kịp thời. Những công trình trọng điểm này nếu để lâu sẽ đội vốn, gây thiệt hại nặng về kinh tế", BĐ này nêu.

Đồng quan điểm, BĐ Phan Cường góp ý: "Nếu đã tìm được nguyên nhân chậm tiến độ thì phải có phương hướng xử lý, đâu thể để tình trạng này kéo dài gây lãng phí tiền của được. Đơn vị quản lý cũng cần phải có trách nhiệm khắc phục ngay và luôn. Cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý vì đây là một trong những công trình trọng điểm quốc gia, cần được chú trọng".

"Đây là dự án trọng điểm của cả nước, tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội, cần có sự kiểm tra sâu sát từ trung ương để tuân thủ nghiêm túc tiến độ, tránh lãng phí nguồn lực và góp phần vào sự phát triển chung", BĐ Nguyen kiến nghị.

Dự án lớn nào mà chẳng có nhiều trở ngại phát sinh, vấn đề là phải tính toán trước và có cách khắc phục sao cho hiệu quả mà công trình vẫn đảm bảo chất lượng. Tốt nhất là đừng để những dự án này "đắp mền" thời gian dài, người dân lại mất niềm tin vào đội ngũ quản lý thôi.

Hoang Son

Phải giao hẳn cho một "tổng công trình sư" thôi. Một người đủ năng lực, đủ quyền hạn, đủ uy tín chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Công trình còn chậm ngày nào thì thiệt hại tăng lên ngày đó.

Quoc Chinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.