Với nhiều người tiêu dùng, ngoài thịt, cá, rau củ phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì gạo cũng phải là... gạo sạch.
Nắm bắt được nhu cầu này, thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại gạo mới được gắn mác... sạch. Đặc biệt, trong đó có không ít trường hợp chỉ là “ăn theo” nên người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận khi mua.
|
Mới đây nhất, sự ra đời của sản phẩm gạo mới - Jasmine Global G.A.P đã góp phần làm phong phú thị trường gạo sạch. Người tiêu dùng mua gạo tại các siêu thị như Thương xá Tax, Centre Mall Phạm Hùng, Satra Mart… có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Tuy nhiên đại diện nhà sản xuất, Công ty TNHH một thành viên SATRA (thuộc Tổng công ty thương mại Sài Gòn), cho biết quy trình để ra gạo sạch không hề đơn giản. Cụ thể phải đặt hàng sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn và được chế biến đóng gói tại nhà máy theo tiêu chuẩn Global G.A.P. Giá bán là 19.000 đồng/kg, tính ra cao hơn gạo thường từ 500 - 4.000 đồng/kg.
Tại các siêu thị, nhiều loại gạo có mác sạch giá bán còn cao hơn. Chẳng hạn, gạo Tứ Quý, gạo Ngọc Đồng... có giá khoảng 25.000 đồng/kg. Các nhãn gạo đạt tiêu chuẩn Viet Gap như: gạo dẻo Thỏ Việt, gạo Làng ta, gạo Xuân Hồng, gạo Nàng hoa... có giá bán từ 24.000 - 32.000 đồng/kg. Thậm chí, các loại gạo sạch mang nhãn hiệu Hoa Sữa được nhà sản xuất quảng bá trồng theo phương pháp hữu cơ có giá từ 45.000 đến trên 60.000 đồng/kg.
Trong khi đó, các sạp bán gạo ngoài chợ và các cửa hàng nhỏ hiện bày bán nhiều loại gạo sạch giá chỉ khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg, được giải thích là “gạo sạch xuất khẩu nhưng được tuồn bớt ra ngoài bán, không cần bao bì dán nhãn nên có giá bán rẻ”. Và cũng có những loại gạo sạch mang các thương hiệu nói trên nhưng được khui sẵn (thông thường mỗi túi gạo chứa 5 kg) bán với giá rẻ hơn hàng cùng loại trong siêu thị từ 500 đồng/kg, được giải thích là khui ra bán lẻ cho dễ bán.
Tuy nhiên, theo chị Ngọc Lan, người từng mua gạo cùng loại nguyên túi cho biết gạo mua lẻ đã được khui ra “không có độ thơm và độ ngọt bằng dù giá bán có rẻ hơn”. Một cửa hàng bán gạo lâu năm ở quận 8, TP.HCM thì khẳng định đó chỉ là loại gạo “được pha trộn từ hai loại gạo khác nhau để cho ra một loại gạo mới, chỉ là chiêu câu khách của người bán do người tiêu dùng ngày càng chuộng gạo sạch. Nên người tiêu dùng chỉ nên mua gạo sạch còn nguyên nhãn mác bao bì rõ ràng.
Cẩm Nhi
Bình luận (0)