Từ lâu, hình thức mua hàng trả góp đã được áp dụng rất phổ biến và có nhiều người lựa chọn cách mua hàng này. Tuy nhiên, gần đây, bên cạnh những đơn vị uy tín cũng có không ít nơi “gài bẫy” người tiêu dùng.
Ảnh: Shutterstock
|
Nhà phân phối dỏm
Hiện trên thị trường có rất nhiều dịch vụ cung cấp dịch vụ mua bán hàng điện máy mang tên các trung tâm điện máy lớn như N.K, C.L, T.H... quảng cáo trên các tờ rơi. Đặc biệt, đang rộ lên dịch vụ bán hàng trả góp, cả trả góp có lãi suất và không lãi suất. Nhưng thực chất, theo ghi nhận của chúng tôi, đa phần đều là các địa chỉ mạo danh chi nhánh của các trung tâm điện máy lớn, chỉ là địa chỉ nhà riêng của một cá nhân nào đó chuyên tân trang hàng điện máy cũ, bị hư hỏng.
Hàng cũ đội lốt hàng mới
Trường hợp này cũng xảy ra ở các đơn vị mạo danh chi nhánh của các trung tâm điện máy lớn. Hình thức cung cấp dịch vụ là bán hàng trả góp không lãi suất, giá bán rất mềm, rẻ hơn khoảng 30% so với hàng bán tại các trung tâm, siêu thị điện máy lớn. Các mặt hàng được áp dụng nhiều hiện nay như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh. Nhưng thực chất đây là hàng cũ được những nơi này mua về tân trang lại rồi giao cho người mua. Thông thường là giao hàng tận nơi. Cũng có bảo hành nhưng thông thường thời gian bảo hành rất ngắn, chỉ vài tháng nên có tình trạng sản phẩm vừa hết hạn bảo hành cũng là đến thời điểm bị trục trặc, hư hỏng.
Và lãi suất trên trời
Trường hợp này xảy ra không chỉ với hàng điện máy mà còn cả với mặt hàng xe máy, đặc biệt là hàng có giá trị cao. Thường do bên trung tâm điện máy hoặc đơn vị bán xe gắn máy phối hợp với các công ty tài chính thực hiện. Lãi suất hằng tháng được đơn vị tài chính này đưa ra ở mức cao hơn nhiều so với ngân hàng (thường là gấp đôi), đổi lại người tham gia mua hàng không cần thế chấp tài sản. Trường hợp người vay trả lãi không đúng hạn sẽ bị phạt với mức lãi suất rất cao. Anh Lê Thiết Dũng, ngụ ở Q.3, TP.HCM đã từng mua chiếc xe Air Blade giá hơn 36 triệu đồng mà thành gần 65 triệu đồng sau khi trả góp hoàn tất.
Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, những vụ việc vay tiền trả góp như trên là do người tiêu dùng và công ty tài chính thỏa thuận. Dù chọn trả góp với bất cứ hình thức nào, người tiêu dùng cũng cần đọc thật kỹ hợp đồng, ngoài tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch và mức góp hằng tháng để “tự lượng sức mình” còn phải để ý, nếu thấy điều khoản nào bất hợp lý thì phải yêu cầu điều chỉnh ngay. Bởi trong hợp đồng của các công ty cho thuê tài chính, phần thiệt thường thuộc về khách hàng, thậm chí có đơn vị ghi hẳn trong hợp đồng là họ có quyền điều chỉnh tăng mức lãi suất hay mức phạt khi khách hàng đóng tiền trễ.
Bình luận (0)