Cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá sinh viên

18/01/2014 09:30 GMT+7

Học đại học nhưng quá trình học, kiểm tra, đánh giá kết quả vẫn còn mang tính hình thức, không khác gì “học sinh cấp 4”.

Cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá sinh viên

Nhiều lớp học có tới hàng trăm sinh viên, gây khó khăn cho sự tương tác giữa thầy và trò - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chỉ kiểm tra kiến thức kiểu thuộc lòng

Hiện nay, đa số các trường ĐH, CĐ chỉ sử dụng hình thức thi viết để kiểm tra, đánh giá sinh viên (SV). Một số môn về thiết kế, kiến trúc, kỹ thuật thì được giảng viên cho làm bài tập lớn.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng nhiều giảng viên vẫn ra đề thi theo kiểu kiểm tra việc nhớ kiến thức của SV. Với những đề dạng này, SV dễ dàng có thể đạt điểm cao nếu ghi chép bài giảng đầy đủ, học thuộc và làm bài đúng với nội dung bài giảng đó.

Ngay các SV cũng nhận xét tương tự. D.H, học năm thứ 3 ngành sư phạm vật lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: “Thú thực, có những môn học sau khi làm bài thi xong em chẳng còn nhớ gì. Điều này có lẽ một phần do cách đánh giá còn nặng tính kiểm tra khả năng nhớ kiến thức của SV hơn là việc hiểu, vận dụng kiến thức vào trong bài làm”. N.H.T, năm nhất ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết việc kiểm tra đánh giá học phần chủ yếu vào cuối kỳ và theo kiểu làm bài thi tự luận. Có những môn giảng viên giới hạn số chương để SV về học bài nên chỉ cần học gọn kiến thức trong đó là có thể làm được bài thi.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận cách đánh giá kiến thức ở các trường hiện nay đôi khi xuất hiện nhiều tiêu cực và không phản ánh thực chất năng lực SV. Tiến sĩ Nghĩa tâm tư: “Nhiều môn thi không cho SV mở tài liệu, khi đó SV bắt buộc học bài và làm bài thi theo kiểu học thuộc lòng. Còn việc đánh giá điểm rèn luyện cũng vẫn mang tính hình thức và theo phong trào”.

Học chỉ để lấy điểm

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc hành chính hóa thi cử, đánh giá SV theo mức độ thuộc bài và khả năng nhớ khiến cho SV vui vì mình đạt điểm cao và buồn khi bị điểm thấp, chứ không chú trọng đến kiến thức thực sự thu nạp được. “Người dạy cứ dạy, người học thì cứ học theo đề cương hay bộ câu hỏi thi. Điều này khiến việc đào tạo không đi vào thực chất, SV học đối phó, lấy điểm chứ không đáp ứng được yêu cầu của thực tế”, tiến sĩ Dũng khẳng định.

Chính vì thế, ông Nguyễn Hà Tiên, giảng viên Khoa Cơ bản Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhận định: “Cách kiểm tra này là một nguyên nhân dẫn đến lệch lạc về mục tiêu học tập của SV. Trong một công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành Xã hội học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM khảo sát sinh viên một số trường ĐH ở TP.HCM, cho thấy có đến 60% SV đi học là để lấy điểm, số SV tới trường mà không quan tâm tới việc học là 10%. Còn SV thực học chỉ chiếm 30%”.

Cần gắn với yêu cầu xã hội, nhu cầu nhà tuyển dụng

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho rằng hiện nay các khâu xây dựng mục tiêu và nội dung đào tạo, dạy, học và kiểm tra đánh giá tách biệt với yêu cầu của xã hội, nhu cầu nhà tuyển dụng. Giảng viên chỉ dạy theo kiểu hành chính - tức là chỉ cần dạy đúng, dạy đủ theo đề cương chi tiết. Từ đó, ông Dũng cho rằng: “Kiểm tra đánh giá phải từ đòi hỏi thực tiễn nghề nghiệp sau này của người học chứ không phải đặt nặng điểm số để hoàn thành kế hoạch và để có thành tích. Do đó, phải đề cao tinh thần dạy thật, học thật và kiểm tra đánh giá thật”.

Về giải pháp căn cơ lâu dài, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý các trường cần bám sát thực hiện các tiêu chí về đảm bảo chất lượng, trong đó có yêu cầu về tỷ lệ SV/giảng viên. “Thực tế, nhiều trường tỷ lệ này lên tới 80 SV/giảng viên, có những lớp học lên tới gần 200 người thì việc đánh giá khách quan và hiệu quả là rất khó thực hiện. Chỉ có những lớp học nhỏ mới giúp việc dạy học không rơi vào tình trạng đọc chép, thi cử theo kiểu trả bài học thuộc lòng và SV quên ngay kiến thức sau khi rời khỏi phòng thi”, tiến sĩ Nghĩa nhận định.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cũng đề xuất: “Đánh giá SV cần được tiến hành nhiều đợt và bằng nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ quá trình đánh giá, việc dạy học cũng cần thay đổi phương pháp để phù hợp với việc đánh giá này”.

Ý kiến

Lập hồ sơ học tập để đánh giá

“Thay vì kiểm tra kiến thức theo kiểu truyền thống, SV trường tôi được đánh giá xuyên suốt quá trình học tập thông qua hồ sơ học tập của riêng. Hồ sơ này là nơi SV thể hiện lại toàn bộ quá trình học tập từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc môn học. Dựa vào đó, giảng viên có thể chấm điểm không chỉ kiến thức chuyên môn qua các bài tập mà còn kiểm tra kỹ năng trình bày, văn phong, sự chuyên cần, tính sáng tạo... Với sinh viên các ngành kỹ thuật, việc đánh giá qua từng dự án với các sản phẩm cụ thể cũng là phương án hay”.

Tiến sĩ NGUYỄN BÁ HẢI (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

Thay đổi từ 3 phía

“Giảng viên phải đổi mới phương pháp. Nên nghiên cứu các tình huống thực tế và giảng dạy theo chuyên đề. Về phía SV, cần phải nâng cao chủ động, ham đặt câu hỏi cho giảng viên, đặt đúng mục tiêu là học để lấy kiến thức ra đi làm, học cho chính mình chứ không phải cho ai. Nhà trường nên tăng cường hình thức thi vấn đáp.

NGUYỄN HÀ TIÊN (Trường ĐH Tài chính - Marketing)

Phụ thuộc vào câu hỏi thi

“Với các hình thức đánh giá như thi viết, muốn phản ánh chính xác năng lực của SV phụ thuộc vào năng lực của giảng viên trong việc ra đề. Thay vì bắt SV nêu định nghĩa, khái niệm thì yêu cầu phân tích, bình luận, đối chiếu và vận dụng để giải quyết một vấn đề của thực tế. Như vậy, SV buộc phải học để hiểu chứ không học vẹt”.

Tiến sĩ PHAN NGỌC MINH (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)

Mỹ Quyên - Hà Ánh

>> Nhờ DN đánh giá sinh viên
>> “Sẽ đổi mới quy trình thi cử, đánh giá sinh viên ở các lớp tại chức”
>> Gắn kết doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sinh viên
>> Nâng cao chất lượng sinh viên ĐH Luật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.