Cần thêm nhiều chính sách động viên, giữ chân nhân viên y tế

17/12/2021 05:55 GMT+7

Nhiều bạn đọc cho rằng trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, chính sách với nhân viên y tế đã có những thay đổi, nhưng vẫn chưa tương xứng công sức lực lượng này cống hiến.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, sức chống chịu của lực lượng y tế TP.HCM đẩy lên cao độ. Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, năm nay số lượng nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc khoảng 1.000 người, gấp đôi năm ngoái.

Covid-19 sáng 17.12: Cả nước 1.493.237 ca | Dịch bệnh ở phía Nam đang rất phức tạp

Tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), mới đây có 16 y, bác sĩ (BS) tuyến thành phố nộp đơn xin nghỉ. Từ năm 2019 đến cuối tháng 11.2021, tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) có 70 viên chức (gồm 48 BS) xin thôi việc, trong đó có 32 BS trình độ sau đại học, đặc biệt trong số người nghỉ có 1 phó giám đốc bệnh viện…

Động viên tinh thần thôi, chưa đủ!

Theo nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên, thu nhập của nhân viên y tế ở TP.HCM vốn đã thấp, gần 8 tháng dịch bệnh chưa nghỉ ngày nào, nên đối diện dịch bệnh còn phức tạp, nhiều nhân viên y tế bị dao động.

“Làm việc trong ngành y tế với đặc thù công việc áp lực cao, thu nhập giảm sút, trải qua những đợt dịch Covid-19 căng thẳng và đó là lý do nhân viên y tế nghỉ việc ngày càng nhiều”, BĐ Thanhvan phân tích.

Tương tự, BĐ nguyenkhanhnho3 chia sẻ: “Hãy nhìn vào thực tế là họ vẫn tiếp tục xin nghỉ việc, nguyên nhân là tiền lương quá ít so với công sức họ bỏ ra… Lúc đầu họ cố gắng ở lại vì hy vọng được nhận số tiền tương ứng công sức, nhưng thực tế không như vậy. Trong khi tình hình dịch thì vẫn kéo dài và phức tạp chưa biết đến khi nào…”.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của nhân viên y tế tỉnh Đồng Tháp sau khi lấy mẫu xét nghiệm

Trần Ngọc

“Trong điều kiện bình thường, nhiều nhân viên y tế vẫn trụ được với công việc. Tuy nhiên, khi xảy ra đại dịch, khó khăn vượt sức chịu đựng của nhiều người. Họ muốn cống hiến, nhưng cũng phải lo nuôi sống gia đình, con cái… Vì thế, việc nhân viên y tế nếu có nghỉ vì áp lực cũng nên được chia sẻ”, BĐ Nguyen Quang viết.

Còn BĐ Phu Luu Huu nêu quan điểm: “Bản thân tôi là người sát cánh cùng lực lượng y tế trong phòng chống dịch, tôi thấu hiểu những áp lực, vất vả, nguy cơ mà cán bộ, nhân viên y tế phải đối mặt. Họ phải làm việc xuyên đêm để lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, không được nghỉ ngơi, có lúc phải làm việc đến kiệt sức vì lực lượng mỏng, dịch bệnh thì phức tạp mà công việc của họ thì không ai làm thay được.

Trong khi đó, nguy cơ bị nhiễm bệnh luôn thường trực, nhiều người không dám về nhà vì sợ lây bệnh cho người thân. Có đi cùng với họ mới thấy xót vô cùng. Cũng cố động viên tinh thần để họ có thêm nghị lực tiếp tục chiến đấu, nhưng chỉ tinh thần thôi thì không đủ. Thiết nghĩ nhà nước cùng các địa phương cần phải có sự đãi ngộ, hỗ trợ kịp thời bằng chế độ cụ thể, dẫu không thể nào thỏa đáng nhưng ít nhất họ cũng cảm thấy được quan tâm, chia sẻ để họ yên tâm có động lực tiếp tục cống hiến, chiến đấu vì cuộc chiến chống dịch này chưa biết bao giờ mới kết thúc”.

Lao động là F0 được hỗ trợ tiền trong thời gian điều trị Covid-19

Vận dụng linh hoạt các chính sách đãi ngộ

BĐ PQH đặt vấn đề: “Có thực mới vực được đạo. Chế độ làm việc ngoài giờ đã có, sao không vận dụng triệt để cho ngành y. Có thể ngân sách gánh thêm chút ít, nhưng bảo toàn lực lượng tuyến đầu chống dịch là cực kỳ quan trọng để vượt qua đại dịch. Chúng ta hãy mặc thử bộ quần áo chống dịch trong 1 ngày sẽ thấy thương cho đội ngũ này”.

Rất nhiều BĐ đồng tình cần thay đổi chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ để giữ chân nhân viên y tế. “Trong thời gian chiến đấu với dịch bệnh vất vả, khổ cực, nếu muốn giữ nhân sự lại thì ngoài lương ra phải bồi dưỡng, thưởng xứng đáng, chứ động viên tinh thần bằng miệng không cũng khó giữ họ ở lại lắm”, BĐ Viet Dung đề đạt. Tương tự, BĐ truc.nguyen viết: “Động viên chưa đủ, vấn đề chính là tăng lương cho phù hợp, vì họ quá áp lực, mà lương bù lại không xứng đáng những gì họ đã cống hiến. Thực tế hợp lý sẽ níu chân họ được”.

“Theo tôi nên lập quỹ Vì tuyến đầu chống dịch như quỹ vắc xin, để có nguồn lực tiếp sức cho lực lượng y tế đang bám trụ. Sau nữa là tăng thuế vào các ngành ăn chơi, tụ tập, lấy nguồn thuế này làm chi phí cho nhân viên y tế đang chiến đấu chống dịch”, BĐ Tran Hung đề xuất giải pháp.

* Học phí học y ngày càng tăng. Học 6 năm ra mức lương chẳng khác các bạn học 4 năm, cũng khởi điểm 2,34, thu nhập có khi thua anh lao động phổ thông. Đây là nghịch lý cần nhìn nhận và điều chỉnh.

BĐ 87126

* Nên có chế độ đãi ngộ lực lượng tuyến đầu khi dịch bùng phát. Tính tăng ca thêm giờ bồi dưỡng cho lực lượng này để yên lòng công tác, chỉ động viên không thì sao làm nổi... Có thực mới vực được đạo.

AnLoc Hoang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.