Can thiệp kịp thời khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng

Mai Hà
Mai Hà
05/06/2023 09:48 GMT+7

Sáng 5.6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã trình Quốc hội dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đáng chú ý, dự thảo luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; quy định về biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng. 

Can thiệp kịp thời khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

GIA HÂN

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, quy định này được bổ sung sau khi xảy ra một số sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng thời gian qua. 

Đồng thời, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank, Signature Bank, First Republic Bank (Mỹ), hay trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ). Theo đó, luật đưa ra quy định để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống.

Ngoài ra, dự luật cũng bổ sung quy định cụ thể về tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt, lãi suất khoản vay đặc biệt mà Ngân hàng Nhà nước cho vay là 0%/năm; bổ sung quy định về việc Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay đặc biệt, qua đó thêm công cụ để cơ quan quản lý xử lý, cơ cấu lại tổ chức tín dụng.

Luật cũng bổ sung rõ các quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm, cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng.

Trong quá trình thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng, căn cứ kết quả giám sát, thanh tra, tùy theo mức độ, vấn đề gặp phải của từng ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp như khuyến nghị, cảnh báo, giám sát tăng cường, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt.

Trường hợp sau khi thực hiện kế hoạch khắc phục, ngân hàng tiếp tục tiềm ẩn rủi ro, có nguy cơ vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, hoặc dựa trên kết quả xếp hạng, ngân hàng sẽ bị xem xét áp dụng giám sát tăng cường.

Ủy ban Kinh tế lo "siết" giới hạn tín dụng sẽ bất lợi kép

Báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết hồ sơ dự án luật được gửi đến Quốc hội khá chậm so với các luật khác.

Can thiệp kịp thời khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng - Ảnh 2.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

GIA HÂN

Băn khoăn về giới hạn cấp tín dụng, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng. Lý do, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro.

Ngoài ra, việc giới hạn cấp tín dụng có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam do giảm khả năng vay trong nước.

Việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, trường hợp vay hợp vốn hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ mất thêm nhiều thời gian, thủ tục hơn do giới hạn cấp tín dụng thu hẹp hơn so với luật hiện hành. Trong khi đó, thông lệ quốc tế đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn (khoảng 25%) so với quy định tại dự thảo luật.

Cụ thể, các nước như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia... đều quy định tỷ lệ cao hơn so với quy định tại dự thảo luật đưa ra. Việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng thấp hơn so với một số nước láng giềng cũng có thể khiến môi trường đầu tư ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị xem lại thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước về “điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng” do chưa phù hợp với quy định của luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; chưa phân định rõ phạm vi, đối tượng, quy trình điều tra của Ngân hàng Nhà nước.

Đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Tài chính

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ đã bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động, dịch vụ về chứng khoán; kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, ủy ban này đề nghị tiếp tục rà soát những điểm giao thoa giữa các luật trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thể chế hóa trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong luật. Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiến tới xây dựng hệ thống thanh tra, giám sát độc lập và thống nhất đối với thị trường ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả. Ngoài ra, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát việc thực hiện chế độ tài chính của các tổ chức tín dụng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.