Cần Thơ - nơi tôi lưu giữ ký ức tuổi học trò

15/10/2022 15:00 GMT+7

Được sinh ra ở vùng đất sông Hương núi Ngự với nhiều cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ lòng người nhưng với tôi vùng đất “gạo trắng nước trong” Cần Thơ mới là nơi tôi có nhiều ký ức đẹp về tuổi thơ, tuổi học trò nhất.

Tôi nhớ những năm đầu thập niên 1990, gia đình gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Nhờ người bác ruột cũng là người con xứ Huế đã vào Cần Thơ trước đó nhiều năm cưu mang nên gia đình tôi chuyển vào đây sinh sống. Và tôi cũng vào trường mới để học tập.

Ngày đó, tôi mới chỉ là cậu học trò lớp bảy chưa biết gì lại phải đến một vùng đất mới để sinh sống và vào một ngôi trường lạ để học thật sự là một sự bỡ ngỡ khó diễn tả. Ngôi trường tôi học nằm gần chợ của xã Trung An, trên lợp ngói còn vách làm bằng ván. Sân trường bằng đất, chưa được lót gạch nên vào mùa mưa đi trơn trượt, rất dễ té.

Cầu Cần Thơ

đình tuyển

Tôi vẫn nhớ như in, ngày đầu vào học thầy cô và các bạn nơi đây hỏi chuyện, tôi nói chẳng ai hiểu gì cả vì tôi nói giọng miền Trung đặc sệt. Tôi phải trả lời nhiều lần mọi người mới hiểu nội dung mình nói. Tuy nhiên, thầy cô và các bạn nơi đây rất đáng quý, tốt bụng, thân thiện và nhất là các bạn học rất xởi lởi, hòa đồng đã hết lòng giúp đỡ tôi từ việc học đến giao tiếp. Nhờ đó, tôi dần dần quen với các thành viên trong lớp học và tôi cũng hòa nhập với việc học và cuộc sống nơi đây.

Ấn tượng của tôi về nơi đây chính là mùa nước nổi. Nếu xứ Huế nơi tôi sinh ra, hằng năm đều có mưa bão gây ra lũ lụt cùng lắm một tuần trở lại nước sẽ rút thì những năm giữa thập niên 1990, mùa nước nổi ở Cần Thơ nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung thật đặc biệt. Nó kéo dài 3, 4 tháng trời từ tháng 8 cho đến tháng 11 âm lịch. Khi đó, nước ngập lênh láng từ ngoài đồng ruộng, đến những con đường và cả sân trường đều có nước. Thời điểm mùa nước nổi trùng với việc học sinh bước vào học kỳ 1 của năm học nên việc đi lại cũng khó khăn. Có học sinh bơi xuồng đi học hoặc được người lớn chở bằng vỏ lãi đến trường. Riêng tôi cùng với các bạn cùng xóm phải đi bộ để đến trường. Những lần như vậy, chúng tôi có dịp trao đổi bài học, trò chuyện tán gẫu với nhau rất vui vẻ. Thời điểm này, con đường đến trường học của chúng tôi là con đường đất nên mùa nước rất trơn đi không khéo là “bắt ếch” như chơi.

Một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi khi đến trường học mùa nước nổi. Hôm đó, cũng như mọi ngày tôi và các bạn đi bộ đến trường học. Dù cùng xã Trung An (Thốt Nốt, Cần Thơ) nhưng nhà tôi ở phía bên này sông còn trường là ở bên kia sông. Do chưa có cầu bắc qua sông, để qua trường học chúng tôi phải đi qua một bến đò được người ta chèo ghe đưa qua (điều thật trân trọng là tất cả thầy cô và học sinh như chúng tôi đi học qua sông đều được miễn phí, không phải đóng tiền đò). Bữa đó nước lớn, dòng nước chảy mạnh để kịp giờ, học sinh chen nhau lên chiếc ghe nhỏ để đến trường. Chiếc ghe nặng vì chở học sinh, dòng nước chảy xiết, người chèo ghe rất vất vả chèo để chiếc ghe chầm chậm qua sông. Nhưng học sinh chúng tôi thuộc hàng thứ ba trong “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” mặc cho người chèo ghe và mọi người hai bên bờ la hét bảo không được đùa giỡn, ngồi im thì có sợ gì đâu vẫn cười đùa khiến chiếc ghe chồng chềnh và sau đó bị chìm, khiến mọi người hoảng hồn. Thật may là con sông nơi chiếc ghe chở chúng tôi bị chìm không rộng lắm nên học sinh tự bơi vào bờ, phần được nhiều người lớn đưa ghe, xuồng ra ứng cứu kịp thời nên tất cả đều an toàn. Nhưng áo quần, sách vở đều ướt hết. Sau lần đó, chúng tôi bị gia đình la một trận, nhà trường thì nhắc nhở lần sau phải cẩn thận khi đi đò qua sông bởi nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng. Bây giờ nghĩ lại tôi còn rùng mình khi nhớ về buổi đi học ngày hôm đó. Hiện nay để thuận tiện cho việc qua lại của người dân hai bờ sông, địa phương đã xây dựng một cây cầu sắt cách vị trí bến đò lúc tôi còn đi học ở đây không xa.

Suốt thời gian học THCS và THPT ở Cần Thơ mùa nước nổi không chỉ là ký ức tuổi học trò về việc phải lội bộ đi học vì đường ngập, rồi những lần ngồi trên chiếc ghe chông chênh, lắc lư, lầm lũi qua sông đến trường, mà còn gắn liền với tuổi thơ vui vẻ nơi đây. Khác với nơi tôi sinh ra, lũ lụt người dân thường không mong muốn hoặc có thì cũng trông qua mau vì nó gây ra bao thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân. Mùa nước nổi ở xứ thuộc miền Tây lại được người dân vùng đồng bằng mong đợi. Bởi mùa nước nổi như một “đặc sản” của vùng sông nước nơi đây. Thiên nhiên ban tặng cho con người nơi đây rất nhiều nguồn lợi thủy sản khi con nước đỏ ngầu phù sa mang về từ hai nhánh sông Tiền và sông Hậu thuộc các tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp, An Giang. Rồi từ đây, thủy sản theo dòng nước tỏa khắp đồng ruộng, sông ngòi khắp mười ba tỉnh thành trong đó có nơi tôi ở và học tập.

Trước khi con nước về, người dân đã chuẩn bị sẵn rất nhiều dụng cụ tay lưới, lờ, rớ… để đánh bắt. Thủy sản mà mùa nước nổi mang lại rất lớn cho con người nơi đây rất nhiều. Trong đó nhiều nhất là cá linh. Có lần tôi cùng người thân thả lưới bắt cá bằng xuồng trên đồng ruộng. Sau đó, chúng tôi thu lưới thì chỉ thấy một màu trắng của cá linh trong lưới. Khác bây giờ, cá linh tự nhiên rất ít nên rất có giá, từ 200-300 ngàn/kg. Thời tôi còn nhỏ ở Cần Thơ, cá linh nhiều quá vì vậy giá trị không cao. Người dân ngoài việc dùng để kho, nấu canh ăn hàng ngày thì còn lại đem ủ làm nước mắm. Nước mắm cá linh là loại gia vị đặc sản mà chỉ có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, cá linh còn thường được mọi người nấu lẩu ăn. Để nấu lẩu, chúng ta cần chuẩn bị cá linh làm rửa sạch, me chua hoặc giấm, bạc hà, bông súng, rau ngò gai, khóm, gia vị… Sau đó đem nấu, với vị ngọt của cá, vị chua của me, khóm khi ăn vào tạo ra một hương vị thật khó tả, ăn mãi không chán.

Tôi vẫn nhớ không chỉ cá linh mà cá chốt cũng rất nhiều. Đến mức, lần đó mùa nước nổi tôi đem cần câu ra câu ở bờ sông, mồi là những con tép nhỏ thôi nhưng dường như thả câu xuống là giựt cần lên vì cá chốt dính câu. Con cá này có hai cái ngạnh khi gỡ lưỡi câu mà không khéo bị ngạnh nó đâm vào tay là rất nhức và phải hai ba ngày mới hết được.

Sau khi học xong phổ thông, vì nhiều lý do, tôi phải rời xa quê hương thứ hai Cần Thơ của mình để trở lại Huế học cao đẳng rồi đại học và hiện giờ có gia đình, đang công tác trong ngành giáo dục. Dù kết thúc tuổi học trò của mình ở vùng đất Cần Thơ đến nay trên 20 năm. Nhưng thời gian học phổ thông nơi đây đã cho tôi có được những ký ức về tuổi thơ, tuổi học trò tươi đẹp; những kỷ niệm về người thầy, người cô và các bạn học tốt bụng, đáng quý. Nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, dù xa cách về địa lý nhưng tấm lòng của tôi với những người thầy đáng kính đã dạy dỗ, giúp đỡ mình khi lần đầu vào đây học; với những người bạn tốt nơi đây vẫn không cách xa khi tôi với thầy cô, các bạn vẫn thường liên lạc với nhau qua mạng xã hội Zalo, Facebook, ứng dụng nhắn tin Messenger…

Dù xa về khoảng cách nhưng Cần Thơ vẫn còn trong tâm trí tôi như ngày nào. Mỗi lần xem tivi hay đài báo nói về vùng đất này hoặc nghe một bài hát về miền Tây thì bao hoài niệm của một thời gắn bó vùng đất này lại trỗi dậy trong tôi. Dù biết rằng, khó tìm về tuổi thơ, khó tìm lại được những ký ức tươi đẹp ngày nào nên những kỷ niệm đẹp về vùng đất Cần Thơ nói chung và xã Trung An (trước đây thuộc huyện Thốt Nốt giờ là một xã của huyện Cờ Đỏ) nói riêng sẽ là tài sản tinh thần vô giá mà tôi có được và tôi sẽ không bao giờ quên dù năm tháng có dần trôi, tuổi tác có thay đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.