Cần Thơ: Xâm hại công viên, cây xanh đô thị bị xử lý ra sao ?

12/11/2006 20:52 GMT+7

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - ông Võ Thanh Tòng (ảnh) cho biết việc ban hành quy định về quản lý công viên và cây xanh đô thị trên địa bàn bắt đầu có hiệu lực từ giữa tháng 11.2006 trở đi. Quy định này là cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm liên quan đến công viên, cây xanh. PV Thanh Niên đã trao đổi với ông Tòng xung quanh vấn đề trên.

* Những hành vi nào được xem là xâm hại đến công viên, cây xanh?

- Ông Võ Thanh Tòng: Đối với công viên, đó là các hành vi: lấn chiếm, chiếm dụng, xây dựng, cư trú trái phép, làm mất tính mỹ quan trật tự trong công viên, gây tổn hại đến công viên, vi phạm nội quy bảo vệ công viên...

Còn các hành vi xâm phạm đến cây xanh trồng trên đường phố gồm: đốn hạ, di dời trái phép; khắc, lột vỏ thân cây, chặt, bẻ cành, hái lá, trái, hoa, tự ý leo trèo, giăng dây, đóng đinh, treo bảng quảng cáo trái phép trên thân cây (ảnh), đổ xà bần, rác và các chất thải khác vào gốc cây xanh làm hư bó vỉa, bồn cỏ gốc cây hoặc đổ chất độc hại vào gốc cây và các hành vi khác gây chết cây; tự ý trồng cây trên đường phố... Tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người vi phạm phải bồi thường hoặc bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý công viên, cây xanh hoặc cán bộ, công nhân viên trong ngành công viên cây xanh nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm vi phạm các quy định về quản lý cây xanh, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, nhân dân thì phải bồi thường và bị xử ly.

* Trong trường hợp muốn đốn hạ hoặc di dời cây xanh phải làm sao?

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi muốn đốn hạ, di dời các loại cây xanh thì phải có giấy phép do UBND thành phố cấp. UBND thành phố cấp giấy phép đốn hạ hoặc di dời các loại cây trên các tuyến đường do Sở GTCC quản lý đồng thời có ý kiến đối với các trường hợp xin đốn hạ, di dời thuộc

UBND quận huyện quản lý. UBND quận huyện cấp giấy phép đốn hạ, di dời cây xanh trong các trường hợp sau: cây xanh thuộc danh mục cổ thụ, cây cần được bảo tồn sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND thành phố; cây xanh trồng trên đường phố không thuộc cây cổ thụ, cây cần được bảo tồn...

Các trường hợp sau đây được miễn giấy phép là: cây xanh cần đốn hạ ngay do tình thế khẩn cấp, thiên tai hoặc cây xanh có nguy cơ ngã đổ gây nguy hiểm; cây xanh thuộc danh mục cổ thụ, cây cần được bảo tồn nhưng nằm trong khu vực có dự án xây dựng các công trình đã được Sở GTCC phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật; cây xanh nằm trong khu vực có dự án xây dựng các công trình đã được cho phép đốn hạ...

Quang Minh Nhật  (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.