Đối mặt với khó khăn nhưng thông tin tiếp tục được giãn thuế, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) thêm 3 tháng với số thuế phải nộp của quý 1 và 2/2011 mà Bộ Tài chính công bố không khiến các DN vui mừng. Bởi biện pháp mang tính tình thế này quá "nhẹ" so với gánh nặng mà họ phải chịu.
Nói quá nhẹ vì trên thực tế, giải pháp này đã được triển khai áp dụng trong năm nay với thời hạn dài hơn mức nói trên để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ vượt qua khó khăn. Nhưng kết quả là đã có tới gần 50.000 DN phá sản trong năm 2011. Bởi đối mặt với lãi suất vay vốn quá cao, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng cộng với chi phí đầu vào tăng vọt, rất nhiều DN đã không thể "trụ" lại để nhận những hỗ trợ này. Điều đó cũng chứng tỏ, giải pháp này chưa thiết thực, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nên nếu tiếp tục áp dụng giãn hay gia hạn thuế thêm một thời gian nữa, có thể khẳng định, mọi khó khăn, bế tắc của DN vẫn không thể giải quyết.
Không chỉ thế, hậu quả chắc chắn sẽ nặng nề hơn. Bởi chúng ta đều biết, trong suốt năm qua, rất nhiều DN đã và đang cố gắng cầm cự với hy vọng lớn nhất là lãi suất sẽ được kéo xuống, tiếp cận vốn ngân hàng dễ hơn, chi phí đầu vào giảm xuống... trong năm 2012 chứ không phải tiếp tục những biện pháp tình thế nói trên. Việc giảm lãi suất cũng đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định trong các phiên họp gần đây, nhưng muốn giảm lãi suất, tất yếu phải giảm được lạm phát. Mà để thực hiện thành công việc này cần sự chung tay góp sức của tất cả các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính trong việc điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu. Sở dĩ năm 2011, CPI tăng mạnh một phần không nhỏ là do giá điện, giá xăng, giá than... liên tục điều chỉnh tăng. Đó là lý do, ngay từ lúc này, Bộ Tài chính nên có thái độ rõ ràng trong việc điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, sau những lùm xùm về khuất tất lỗ lãi xăng dầu, khuất tất điện lỗ nhưng lương cao, tất cả người dân, DN đều hy vọng Bộ Tài chính sẽ làm rõ, sẽ minh bạch mọi khuất tất để ngăn chặn kịp thời các yêu cầu tăng giá bất hợp lý, tăng giá nhằm bù lỗ ảo, lỗ do đầu tư tay trái, do yếu kém về điều hành... của các DN này.
Điện, xăng và nhiều mặt hàng khác đang "đòi" cơ chế thị trường. Tất cả chúng ta cũng chỉ mong muốn một cơ chế thị trường thực sự cho các ngành này. Đó là cạnh tranh lành mạnh, có tăng có giảm. Lỗ do yếu kém về điều hành, do quản trị, do đầu tư ngoài ngành DN phải tự gánh. Vì vậy, thay vì giãn, giảm hay gia hạn thuế, Bộ Tài chính bằng "quyền lực" của mình, hãy điều hành các ngành này theo đúng cơ chế thị trường một cách "sòng phẳng" và minh bạch, đảm bảo quyền lợi của tất cả các đối tượng liên quan. Đó mới thực sự là hỗ trợ, là tháo gỡ khó khăn mà DN, người dân và cả nền kinh tế đang mong chờ.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)