Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi đối thoại - Ảnh: TTXVN |
Bình luận về kinh nghiệm chống tham nhũng “đánh chuột đừng để vỡ bình” của VN, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh Giles Lever cho rằng: “Nhiều nơi chuột được nuôi quá lớn nên vừa ăn hết tài sản lại vừa làm vỡ bình. Vì thế cần có một con mèo thật mạnh hoặc có liều thuốc cực độc để diệt chuột, nếu không có ngày chúng ta sẽ bị chuột đuổi khỏi nhà”. Để minh họa thêm, ông Giles Lever đưa ra dẫn chứng là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI) được công bố cách đây chưa lâu cho thấy chỉ có 18% người dân tin rằng tham nhũng giảm xuống.
Chuyển hóa tinh vi
|
Ông Nguyễn Thanh Tú, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) cho biết số liệu của Viện KSND tối cao tính từ ngày 1.10.2010 tới 30.4.2013 cho thấy tổng tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng (được xác định, phát hiện) trên 17.000 tỉ đồng nhưng tổng giá trị tài sản thu hồi được chỉ trên 5.000 tỉ đồng, đạt khoảng 29,4%. Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2014 của Chính phủ cũng cho thấy năm 2014 đã phát hiện 54 vụ tham nhũng qua thanh tra với tổng số tiền 68,5 tỉ đồng, thu hồi 46,9 tỉ đồng (68,5%); lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỉ đồng nhưng mới chỉ thu nộp ngân sách nhà nước được trên 1.500 tỉ đồng, đạt tỷ lệ khoảng 22,3%.
Ông Tú khẳng định nhiều vụ việc không thể thu hồi tài sản do không phát hiện hoặc truy tìm được vì đã được các đối tượng phạm tội chuyển hóa tinh vi dưới nhiều thức khác nhau, trong đó có việc chuyển ra nước ngoài. “Cục Phòng chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định những thông tin về giao dịch đáng ngờ và những thông tin về tình báo tài chính khác đã được cơ quan này gửi đến những cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có một vụ việc nào về rửa tiền hay tham nhũng được xử lý dựa trên cơ sở những thông tin này”, ông Tú phản ánh.
|
Cũng theo ông Tú, thực tế cho thấy một số vụ việc không thể xử lý là tội phạm tham nhũng mà chỉ có thể xử lý tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội phạm khác. Do đó việc thu hồi tài sản tham nhũng không thể thực hiện được. Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chủ yếu quan tâm xử lý tội phạm gốc là tội phạm tham nhũng mà chưa quan tâm nhiều đến tội phạm phát sinh như rửa tiền, hay tập trung vào trừng phạt trực tiếp người bị kết án mà chưa chú ý nhiều đến việc đánh vào lợi ích kinh tế của người phạm tội tham nhũng.
Trong khi đó, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN, cảnh báo khi VN ngày càng hội nhập kinh tế sâu rộng hơn với khu vực và thế giới thì tình hình tham nhũng, dòng tiền bất chính chảy ra nước ngoài sẽ càng cao, phức tạp hơn.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định VN luôn thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong PCTN. Tuy công tác PCTN thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt là việc thu hồi tài sản, nhưng thái độ và tinh thần của VN với các vụ án tham nhũng rất rõ ràng là xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh. Phó thủ tướng cho biết các cơ quan chức năng đang tích cực hoàn thiện thể chế, tăng cường thực thi pháp luật để mọi tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu, làm giảm thiểu tổn thất do tham nhũng gây ra, làm triệt tiêu động cơ kinh tế của những kẻ tham nhũng.
Thái Sơn
>> Pháp luật phòng chống tham nhũng như ‘hổ không răng’
>> Nóng nghị trường chuyện chủ quyền biển Đông, phòng chống tham nhũng...
>> Lập 4 đoàn giám sát phòng chống tham nhũng tại các địa phương
>> Trao giải 5,5 tỉ đồng cho các sáng kiến phòng chống tham nhũng
>> Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng
Bình luận (0)