Theo bạn đọc, nông dân nhiều nơi rơi vào cảnh rau củ ế đầy đồng không ai mua... trong khi ở những tỉnh, thành đang áp dụng giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt người dân thiếu rau xanh, phải mua với giá rất cao.
Báo Thanh Niên ghi nhận ở xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn (TP.HCM) có tình trạng các hộ nông dân trồng rau không thể đem đi tiêu thụ, thương lái cũng không thu mua vì không có phương tiện để vận chuyển. Nông dân ở xã An Hòa Tây, H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre cũng đã viết “tâm thư” cầu cứu khắp nơi để mong được giải cứu nông sản trong vùng (rau mồng tơi, rau má, các loại rau thơm).
Ở các xã: Xuân Đông, Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ; xã Lang Minh, H.Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) chủ yếu chăn nuôi, trồng các cây công nghiệp và các loại rau củ ngắn ngày như cà pháo, đậu bắp, dưa leo, đậu đũa, bí, củ sắn (củ đậu)... cũng rơi vào cảnh tương tự. Trong khi đó, ở H.Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu nhãn xuồng cơm vàng rụng đầy gốc vì không có thương lái đến thu mua...
Vừa chống dịch, vừa giúp dân ổn định cuộc sống
Bạn đọc (BĐ) Nguyen Truyen chia sẻ: “Có thể thấy rằng, một mặt cơ quan chức năng cần có các biện pháp nhằm siết chặt việc đi lại, đảm bảo giãn cách xã hội để hạn chế lây lan dịch bệnh, nhưng cũng cần xem xét đến yếu tố đầu ra cho nông sản”.
Theo BĐ này, đặc điểm của nông dân là làm theo mùa vụ. Tiền thu được trong mùa vụ này, sau khi trừ đi các khoản về phân bón, sẽ còn lại phần dôi dư để dùng vào nhu cầu ăn uống, sinh hoạt trong gia đình trong nhiều tháng cho đến đợt thu hoạch, bán nông sản mùa sau. “Tiền tích lũy của nông dân đa phần không nhiều. Nay gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản thì đời sống nông dân sẽ thêm bấp bênh”, BĐ Nguyen Truyen viết.
|
Theo BĐ Khanh Ha, cần phải thừa nhận thực trạng có điểm chưa hợp lý trong khâu tổ chức giao - nhận nông sản và cần xem xét trách nhiệm các bên liên quan để mau chóng khắc phục. “Hàng hóa không là tác nhân gây bệnh nhưng nếu thiếu thực phẩm, vitamin, sữa thì sức đề kháng của người dân, nhất là trẻ em và người già sẽ kém đi, dễ trở nặng khi nhiễm bệnh; kinh tế hộ gia đình lao đao”, BĐ Khanh Ha lưu ý.
Cần có địa chỉ cụ thể trợ giúp nông dân
Thực tế, ở một số nơi, chính quyền địa phương đã làm cầu nối kêu gọi một số tổ chức, cá nhân đứng ra thu mua nông sản cho nông dân, dù giá và mức tiêu thụ không được như thời điểm bình thường. Tuy vậy, có không ít nơi nông dân phải viết “tâm thư”, kêu gọi được giải cứu.
Giải pháp mà BĐ Kim Liên đưa ra là “cần một nơi, một địa chỉ cụ thể để bà con nông dân liên lạc với lãnh đạo địa phương, tạo cầu nối để nông dân có thể bán được nông sản; không thể để tình trạng người cần bán không bán được, người cần mua không mua được”.
BĐ Van Thai Nguyen cũng đưa ra ý kiến: “Nông dân trồng ra nông sản vì dịch bệnh không bán được. Nhưng ở các xã, phường, quận, huyện đều có đoàn thể, hội nông dân. Trong mùa dịch, các đoàn thể này có thể đứng ra thu mua nông sản và có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương mình để chở đi tiêu thụ cho bà con nông dân không?”.
Nhiều BĐ cũng góp ý, để đảm bảo lưu thông hàng hóa, trong đó có nông sản, được trôi chảy, không bị ùn ứ, ách tắc, tồn kho nhiều..., thì nên ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho tài xế, phụ xe tham gia vận chuyển. Đó là một trong những giải pháp căn cơ để lưu thông hàng hóa được bền vững, kịp thời, chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy.
Nhiều nơi cần bán nhưng không có người mua... Đây là bài toán vận chuyển, tiêu thụ nông sản không chỉ cần được giải trong mùa dịch Covid-19 đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thành phía nam mà là một bài học đắt giá cho cơ quan chức năng về khả năng cung - cầu trong những điều kiện đặc biệt. Đừng để hàng hóa dồi dào nhưng gặp khó trong khâu phân phối vì không bán được và không mua được.
Trong Nguyen Rau củ không ở đâu xa hết, chỉ trong TP mà cũng không tiêu thụ được trong khi nội thành kiếm cọng hành lá cũng không phải đơn giản. Nên chăng chính quyền địa phương đứng ra thu mua, làm đầu mối phân phối cho bà con nông dân và phân phối, hoặc bán lại cho người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa?
Phuong Nguyen |
Bình luận (0)