Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Cháy nhà, chạy đi đâu? đăng trên Thanh Niên ngày 18.9.
Nhà ở như... kho hàng
Nhà ở phố hiện nay do quá đắt đỏ nên nhiều thế hệ không có điều kiện tách hộ, nên đành ở chen chúc nhau. Nhiều chỗ chật chội, ẩm mốc và đồ đạc để bừa bãi như một kho hàng... mồi lửa. Những vụ cháy vừa qua là bài học rất đắt cho những hộ gia đình có thói quen này, chưa kể một số nơi buôn bán hàng hóa chất đống bít cả lối đi, để rồi khi có sự cố chẳng biết chạy đi đâu. PHẠM THỊ NGHĨ (phamnghi@gmail.com)
Phòng ngủ cũng có... thoát hiểm
Tôi thấy ở một số nước, phòng ngủ có cửa thoát hiểm. Nước ta cũng cần tham khảo điều này và có quy định bắt buộc khi xây dựng nhà ở. Trước mắt mỗi hộ dân nên tự tạo cho nhà mình một lối thoát thân cho cả nhà để sử dụng khi cần thiết. NGUYỄN NGỌC BA (ngocba333@yahoo.com)
Trang bị kiến thức phòng chống cháy
Cơ quan quản lý nhà nước chỉ cấp phép xây dựng nhà khi chủ đầu tư có đầy đủ các phương án thoát nạn. Người dân cần có ý thức phòng chống cháy nổ, nhà ở phải có đường thoát hiểm như: cửa phụ, cửa tầng trên, cửa tầng dưới. Chìa khóa cửa phải có “quy ước” chung trong gia đình tại một chỗ để khi có cháy là tìm thấy ngay. Cần phải thường xuyên trang bị những kiến thức cần thiết cho người dân và học sinh nhằm bảo vệ tính mạng khi có cháy nổ. NGỌC DŨNG (cngocdung@gmail.com)
Mỗi gia đình phải trang bị bình chữa cháy, thêm mỗi tầng 1 vòi nước, đường nước, dây ống nước sẵn sàng để dập lửa. Trong lúc chờ cơ quan chữa cháy chuyên nghiệp đến thì những vật dụng này cũng giúp hạn chế thiệt hại nếu có cháy xảy ra. TRẦN VĂN PHƯỚC (Q.Gò Vấp, TP.HCM) Nên đưa nội dung phòng chống cháy nổ vào các cuộc họp tổ dân phố định kỳ để góp ý, tổng kết. Các khu chung cư, hộ tập thể cần nhanh chóng thực hiện ngay để đúc kết kinh nghiệm từ đó nhân rộng ra trong dân. PHẠM THỊ SÁU (Dĩ An, Bình Dương) Công Sơn |
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Bình luận (0)