Lăng kính bạn đọc

Cẩn trọng để không dính 'bẫy nợ' thẻ tín dụng

Đình Huân
Đình Huân
(tổng hợp)
20/03/2024 06:05 GMT+7

Qua vụ việc nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng của ông P.H.A. tại Eximbank, sau 11 năm lên hơn 8,8 tỉ đồng gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến khuyên người dân nên cẩn trọng, tỉnh táo khi sử dụng thẻ tín dụng nhằm tránh rơi vào 'bẫy nợ'.

Như Thanh Niên thông tin, ngay sau vụ khách hàng nợ từ 8,5 triệu đồng tại Eximbank sau 11 năm lên 8,8 tỉ đồng, nhiều người giật mình và kiểm tra lại thông tin với ngân hàng (NH) thì "tá hỏa" khi biết mình cũng là con nợ nhiều năm qua.

Đơn cử trường hợp anh Duy Phương (TP.HCM) ngày 15.3 vừa qua vội gọi lên tổng đài Eximbank kiểm tra thì được báo là đang nợ phí quản lý tài khoản hơn 1,6 triệu đồng. Theo giải thích, nếu số dư tài khoản dưới 300.000 đồng thì sẽ bị trừ 11.000 đồng/tháng. Khoản phí này được trừ đều từ 2015 tới giờ.

Đây là số tài khoản được mở giai đoạn 2012 - 2015 khi anh Phương còn làm ở công ty cũ và nhận lương qua Eximbank, nhưng sau đó chuyển công ty thì không sử dụng nữa. Sau Eximbank, anh tiếp tục gọi điện qua tổng đài ở các NH từng mở tài khoản từ năm 2008 tới giờ để kiểm tra thì kết quả có thêm nợ tại NH Đông Á 600.000 đồng là phí thường niên thẻ từ năm 2012. Đây là tài khoản đã mở từ lúc còn sinh viên. Còn các NH Techcombank và HDBank đã hủy tài khoản của anh sau vài năm không phát sinh giao dịch; Tại ACB vẫn còn tài khoản nhưng không nợ (vì chính sách lúc mở là được miễn phí thường niên).

Cẩn trọng để không dính 'bẫy nợ' thẻ tín dụng- Ảnh 1.

Khách hàng cần quản lý kỹ tài khoản, thẻ tín dụng

NGỌC DƯƠNG

Sau chia sẻ của anh Duy Phương, nhiều người quen và đồng nghiệp từng làm công ty cũ của anh có nhận lương qua tài khoản Eximbank cũng vào cho biết đã kiểm tra lại thông tin và đa số đều mắc nợ NH dù tài khoản không sử dụng, với mức phổ biến từ 2 - 3 triệu đồng. Đáng nói, anh Duy Phương và nhiều đồng nghiệp cũ đều khẳng định chưa bao giờ nhận thông báo từ NH về việc thu phí hay đang nợ… dù hằng năm đều có tin nhắn chúc mừng sinh nhật.

Không chỉ có Eximbank, nhiều người gặp cảnh tương tự khi trở thành con nợ của một số NH khác. Chẳng hạn, chị Phan Lê cho hay sau khi kiểm tra ở một NH khác vì đã từng mở tài khoản thì được báo nợ hơn 2,4 triệu đồng (từ năm 2018 đến nay). Đây là nợ gồm phí duy trì thẻ tín dụng, phí SMS thông báo biến động số dư tài khoản… Như vậy không chỉ bị nợ tiền sử dụng trong thẻ tín dụng mà nếu đã mở thẻ hay tài khoản thì khách hàng cũng có thể trở thành con nợ của các nhà băng.

Ngoài việc không sử dụng thẻ, không sử dụng tài khoản nhưng vẫn trở thành con nợ, nhiều khách hàng đang sử dụng dịch vụ NH cũng sẽ rơi vào "ma trận" phí và lãi khi không để ý và cũng có thể từ nợ ít thành nợ nhiều. Trong đó, nhiều nhất là biểu phí áp dụng cho thẻ tín dụng quốc tế...

Không phát sinh giao dịch, sao ngân hàng không khóa thẻ?

Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho biết sốc khi đọc thông tin trên. "Đây là bẫy nợ của NH. Tại sao trong khoảng thời gian dài không đòi nợ trong khi giao dịch thẻ không phát sinh mà NH lại im. Vậy nếu lộ thông tin rồi kẻ xấu giả mạo làm thẻ vậy sau này có chết người bị lộ thông tin không?", BĐ Loi Pham bức xúc.

Cùng quan điểm, BĐ Q.V ý kiến: "Lẽ ra, cứ như cước điện thoại ý, đến tháng không đóng tiền hoặc nạp thẻ thì bị khóa. Trong khi ở đây cả năm trời không phát sinh giao dịch vẫn bị trừ tiền. Mong cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc".

Còn BĐ S.A viết: "Thời kỳ đầu khuyến mãi mọi người làm thẻ ATM, thẻ tín dụng không mất gì. Nhưng vì không có thu nhập để nạp tiền vào thẻ, người dùng đành giữ để đấy khi cần thì dùng. Tại sao phát hành thẻ rồi không thấy khách giao dịch thì phải thông báo cho khách hủy hay giữ thẻ. Giờ NH âm thầm tính phí kiểu một mình một chợ và lãi suất trên trời như vậy".

"Các NH kiểu đó thường làm tập hồ sơ cao giống như hồ sơ tuyển sinh, làm cho người đến làm thủ tục vay chẳng thể đọc. Hơn nữa chẳng bao giờ nhân viên NH cho biết những điều mà người vay phải tốn chi phí sau khi làm thẻ và các chi phí khác phát sinh. Thật mập mờ, không công bằng tí nào", BĐ Trọng Minh thẳng thắn.

Nên đóng tài khoản nếu không sử dụng

Để bảo vệ quyền lợi khách hàng, nhiều ý kiến mong cơ quan quản lý sớm rà soát và ban hành những quy định chặt chẽ hơn.

"Dịch vụ sử dụng thẻ do NH phát hành không chăm sóc chu đáo. Một sản phẩm cung cấp cho khách hàng sử dụng mà lại làm cho khách hàng tù mù, mơ hồ, không biết nó xảy ra khi nào và bước tiếp theo phải làm gì. Thiết nghĩ NH Nhà nước sớm chấn chỉnh và có những quy định thật cụ thể, chặt chẽ hơn", BĐ Tuệ Minh đề nghị.

Tương tự, BĐ Nguyen Tung ý kiến: "Tại sao NH không làm như quy định đang áp dụng bên cước điện thoại, điện nước...? Nếu đến tháng (hoặc quá hạn 1, 2 tháng) không đóng tiền hoặc nạp thẻ là bị khóa. Đằng này một thời gian dài tài khoản thẻ không phát sinh giao dịch vẫn trừ tiền. Phải chăng đây là "kẽ hở" về mặt quản lý mà các NH thi nhau lách để thu tiền của người dân một cách hợp pháp? Mong NH Nhà nước nhanh chóng rà soát và có những quy định chặt chẽ hơn, tránh đẩy hết phần thiệt thòi về cho khách hàng".

"Qua vụ việc này mỗi người dân cần tỉnh táo hơn khi sử dụng thẻ tín dụng. Ngoài tìm hiểu thật kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng mở tài khoản thì cũng cần lưu ý nếu tài khoản nào không sử dụng trong 6 tháng thì nên chủ động liên hệ NH để đóng tài khoản, tránh những rắc rối về sau", BĐ Duc Hong ý kiến.

Nên điều tra xem việc tính lãi, phí như vậy có vi phạm pháp luật không?

Văn Phú

Lúc mời mở tài khoản thì miễn phí này nọ nhưng lại âm thầm áp dụng thêm các loại phí khác.

Đạt Huỳnh

Trách nhiệm nhắc nợ cho khách hàng là của NH, không thể có chuyện im ỉm rồi một ngày công bố số nợ kinh khủng.

Thành Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.