Chỉ 20% cơ sở đủ điều kiện kinh doanh
Theo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), hiện cả nước có khoảng 20.000 cơ sở kinh doanh kính và chỉ khoảng 20% trong đó đủ điều kiện để kinh doanh kính thuốc. Thế nhưng, thực tế tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... hầu như tiệm kính nào cũng trưng bảng “kính thuốc”, đo bán kính cận, viễn, loạn thị... Theo khảo sát của PV Thanh Niên, tại Hà Nội hầu hết các hiệu kính thuốc đều trang bị các thiết bị kiểm tra mắt như bảng đo thị lực, máy khúc xạ tự động, các loại kính tròng chia độ... để kiểm tra thị lực cho khách đến mua kính thuốc.
Tại Trung tâm kính mắt V.N trên đường Giảng Võ có hẳn một khu dành cho việc đo mắt. Quy trình kiểm tra mắt gồm 3 phần: kiểm tra qua máy khúc xạ tự động, qua bảng đo thị lực (đọc những chữ cái từ to đến nhỏ, bên trái, bên phải) để thử phản ứng của mắt và cuối cùng là nhân viên dựa vào kết quả của máy khúc xạ, tầm nhìn của mắt khách hàng để đưa khách đeo thử kính cận, viễn, loạn... “Mắt trái mình bị cận 3,75 độ, mắt phải 2,25 độ. Họ cho mình đeo kính thử tăng thêm 0,25 độ mỗi bên và nói mình đi đi lại lại từ trong chỗ tối ra ngoài trời, nhìn xung quanh. Khoảng 10 phút sau họ gọi lại hỏi có cảm thấy nhức mắt, đau đầu, chóng mặt không? Mình bảo không thì họ bán cho mình kính có số đo giống như kính thử”, chị Phạm Thu Hạnh (25 tuổi) kể.
Theo các bác sĩ, người trưởng thành khi giảm khả năng nhìn không chỉ đi đo thị lực mà cần kiểm tra thêm một số bệnh khác: đái tháo đường, khối u hoặc ảnh hưởng của một số thuốc điều trị bệnh khác... để xác định đúng nguyên nhân. Ngoài ra, hiện có không ít cửa hàng bán kính lão theo "quy luật": 45 tuổi đeo kính 0,5; 50 tuổi đeo kính số 1... nhưng thực tế không phải ai cũng tuân theo "quy luật" này. |
Nhầm lẫn với cận thị giả
Theo bác sĩ Vũ Bích Thủy, Bệnh viện Mắt T.Ư, quy trình đo và kiểm tra thị lực tại hầu hết các cơ sở kính thuốc hiện không đảm bảo. "Nếu chỉ đọc bảng chữ, kiểm tra bằng máy đo khúc xạ không thôi thì chưa đủ; đặc biệt khi đo kính cho trẻ cận thị, loạn thị cần nhỏ thuốc liệt điều tiết mắt để kiểm tra. Nhưng thực tế hầu hết các cơ sở bỏ qua công đoạn nhỏ thuốc điều tiết mắt vì sợ mất thời gian", bác sĩ Thủy nói. PGS-TS Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt T.Ư cũng khẳng định: "Việc nhỏ thuốc liệt điều tiết mắt là bắt buộc khi đo kính cho trẻ em. Với người lớn, có thể không bắt buộc phải nhỏ thuốc, nhưng như vậy đòi hỏi nhân viên có kinh nghiệm khám, sử dụng thiết bị và độ chính xác của máy đo".
Cũng theo bác sĩ Thủy, do không làm đúng quy trình nên kết quả kiểm tra không thể chính xác. “Chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em, khi đo bên ngoài được kê đơn kính thuốc vì cận thị. Thế nhưng khi đến bệnh viện được khám đúng quy trình thì kết quả không phải cận thị. Trường hợp này trong chuyên môn gọi là "cận thị giả", chiếm tỷ lệ khoảng 20% các trường hợp có triệu chứng cận thị hiện nay. Cận thị giả không phải đeo kính, mà chỉ cần có chế độ dùng thuốc, chăm sóc mắt đúng cách là mắt hồi phục”, bác sĩ Thủy cảnh báo. Ngoài ra, bà còn cho biết nhiều trường hợp trẻ em sau khi đến các cơ sở kính thuốc kiểm tra, mua kính, xảy ra tình trạng mắt kính quá sát, kính lệch tâm trục thị giác... mà nếu không kịp thời phát hiện, điều chỉnh thì mắt giảm thị lực ngày càng nhanh.
Hồng Minh - Nam Sơn
Bình luận (0)