Chị Trần Thanh Vi (Q.2, TP.HCM) mang chiếc lắc 2 chỉ vàng 18 K ra tiệm vàng gần nhà bán, được người thu mua báo chỉ thu với giá gần 4,5 triệu đồng. Trong khi đó, theo mức giá vàng hiện tại thì chị Vi tính ra chiếc lắc của mình phải bán được trên 5 triệu đồng. Nguyên nhân được chủ cửa hàng vàng khẳng định chiếc lắc của chị Vi là vàng 14 K, chứ không phải 18 K. Chị Vi không thể chứng minh được vàng chị mua là vàng 18 K vì bị mất hóa đơn nên mang đến một cửa hàng vàng khác ở Q.1. Tiệm này cũng báo là vàng 14 K, thậm chí còn báo trọng lượng thấp hơn bên cửa hàng Q.2 nên mức mua vào thấp hơn. Chị Vi quyết định không bán bởi tính ra chị lỗ gần cả triệu đồng trong khi chị tính toán thì chỉ lỗ khoảng 200.000 - 300.000 đồng chi phí tiền công.
Ông Nguyễn Vũ Phan, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết, trường hợp trên có hai nguyên nhân. Một, vàng của chị Vi thiếu tuổi nhiều thật. Hai, các tiệm vàng mà chị Vi đến đã áp dụng các phương pháp định tuổi vàng khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau. “So tuổi đánh đá” và sử dụng máy đo tỷ trọng kim loại là hai cách được nhiều tiệm vàng áp dụng vì chi phí đầu tư rẻ. Tuy nhiên, hai cách này lại cho sai số rất lớn. Việc dùng máy đo tỷ trọng kim loại có thể dẫn đến sai lệch về độ tuổi từ 5 -10%. Mà việc sai lệch này sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho người bán vàng, nhất là vàng 18 K. Hiện nay, phương pháp đo tuổi vàng bằng máy quang phổ được cho là chính xác hơn hết. Mức sai số của phương pháp này là rất thấp, chỉ khoảng 0,3%, không gây thiệt hại nhiều cho người bán vàng, người tiêu dùng nên chọn những tiệm vàng áp dụng phương pháp này để mua và bán.
|
Cần cam kết giám định trước khi mua
Để tránh mua nhầm vàng nữ trang thiếu tuổi, người tiêu dùng nên yêu cầu các cửa hàng bán có cam kết giám định về độ tuổi trước khi mua. Theo đó, người mua có thể mang món nữ trang muốn mua đến yêu cầu bên thứ 3 tiến hành giám định độ tuổi. Hiện nay, tại TP.HCM có một số đơn vị được nhà nước cấp phép giám định vàng bạc đá quý như Công ty giám định PNJ, Trung tâm vàng ACB… Các đơn vị này sẽ dùng phương pháp giám định không phá mẫu, gọi là phân tích tia X. Khi chiếu tia X lên vàng, vàng phát ra tia đặc trưng của vàng, bạc phát ra tia đặc trưng của bạc, đồng phát ra tia đặc trưng của đồng… Từ những tia này người ta đo được định lượng và định tính của những thành phần kim loại có trong sản phẩm nữ trang. Mức sai số của máy là khoảng 0,3%. Tuy nhiên, phương pháp giám định của các trung tâm này hiện cũng chỉ đúng với những trường hợp nữ trang được chế tác đồng nhất từ trong ra ngoài. Trong trường hợp, món nữ trang có lớp bên ngoài đủ tuổi trong khi bên trong không đủ tuổi thì máy cũng khó phát hiện ra.
|
Ngoài ra, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm của các thương hiệu uy tín, có đóng dấu tuổi vàng lẫn thương hiệu lên sản phẩm luôn cũng như có cam kết về mức độ thiệt hại của người tiêu dùng khi bán lại. Thông thường khi bán, sản phẩm sẽ được tính bằng trọng lượng vàng nhân với mức giá vàng tại thời điểm bán rồi trừ tiền công.
Một lưu ý nữa là nếu muốn mua vàng nữ trang để làm của để dành, khi cần thì bán ra, người tiêu dùng không nên chọn loại nữ trang có quá nhiều mối nối. Những đơn vị áp dụng phương pháp hàn hiện đại có tên gọi plasma thì có thể tin tưởng sản phẩm của họ. Nhưng với cách truyền thống là dùng lửa để hàn thì chắc người tiêu dùng sẽ nhận một lượng nhỏ vàng thiếu độ tuổi. Đó là lượng vàng nằm ở các mối nối. Những sợi dây chuyền hay lắc đeo tay càng có nhiều mối hàn thì người tiêu dùng càng bị thiệt.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, phụ trách phòng Quản lý và thử nghiệm vàng của Công ty giám định PNJ, trong các loại vàng nữ trang thì vàng 24 K được xem là vàng nguyên chất. Các loại vàng còn lại có số K kém hơn 24 thì không còn là vàng nguyên chất, mà là hợp kim vàng. Cụ thể, vàng 18 K có nghĩa là hàm lượng vàng chiếm 18/24 miếng, tương đương 75% (vàng 7,5 tuổi), vàng 14 K có hàm lượng vàng là 14/24, tương đương 58,3% (vàng 6 tuổi), vàng 12 K có hàm lượng vàng là 12/24, tương đương 50% (vàng 5 tuổi) và vàng 10 K sẽ có hàm lượng vàng là 10/24, tương đương 41,7% (vàng 4 tuổi). Vàng có hàm lượng vàng càng cao thì độ mềm càng cao nên để chế tác nên những món nữ trang có độ cứng cao, gắn đá quý thì người thợ sẽ phải pha thêm các loại hợp kim khác. Chẳng hạn, cần màu trắng sáng thì họ sẽ pha nickel (Ni) hoặc palladium (Pd), nếu cần ngả về đỏ hoặc hồng thì pha với đồng (Cu) trong khi bạc (Ag) sẽ cho hợp kim vàng có màu lục. Khi pha các kim loại này vào với số lượng nhiều hơn chuẩn (của từng loại vàng) thì sẽ cho ra vàng thiếu tuổi.
|
Hạn chế đánh bóng vàng
Theo các chuyên gia vàng, đánh bóng vàng sẽ dẫn đến hao hụt. Trong quá trình sử dụng, chắc chắn món nữ trang thể nào cũng bị xẩm màu, méo mó do va chạm. Nhiều người thích được “bóng đẹp như mới” liền mang ra các cửa hàng nhờ đánh bóng lại. Việc làm này sẽ giúp món nữ trang “sáng như mới” nhưng sẽ bị hao hụt vàng. Mức hao hụt nhiều hay ít còn tùy thuộc vào món nữ trang. Đó là chưa kể để đánh bóng lại, người dùng phải tốn từ khoảng 100.000 - 200.000 đồng/món nữ trang. Có cách đơn giản hơn cũng giúp món nữ trang sáng mới đáng kể mà không hao hụt đó là dùng dung dịch rửa sạch. Chỉ cần cho nữ trang vào một cái chén, cho dung dịch nước rửa chén hoặc sữa tắm vào ngâm khoảng 10 phút rồi lấy ra lau lại bằng khăn sạch là món nữ trang sẽ sáng bóng.
|
Bình luận (0)