Cẩn trọng với chiêu trò quảng cáo luyện thi đánh giá năng lực

23/02/2023 06:05 GMT+7

Việc nở rộ các trung tâm luyện thi đánh giá năng lực cũng kéo theo nhiều chiêu trò để thu hút khách hàng.

Dịch vụ luyện thi đánh giá năng lực (ĐGNL) hiện như "nấm mọc sau mưa" với đa dạng phương thức giảng dạy từ trực tuyến đến trực tiếp. Để nâng tính cạnh tranh, không ít trung tâm tung ra những chiêu trò quảng cáo như đề "chuẩn", có ứng dụng thi thử, hay tặng kèm cả Macbook nếu thí sinh (TS) đăng ký khóa học. Trong số đó, đáng chú ý nhất là việc cam kết đầu ra và hoàn học phí nếu TS không đạt đủ điểm quy định.

Cẩn trọng với chiêu trò quảng cáo luyện thi đánh giá năng lực - Ảnh 1.

Để thu hút TS, các trung tâm luyện thi ĐGNL thường tung ra nhiều chính sách khuyến mãi, trong đó có cam kết đầu ra

CHỤP MÀN HÌNH

"BAO ĐIỂM" CÓ ĐIỀU KIỆN

Trong vai một TS lớp 12 có học lực trung bình, chúng tôi liên hệ Trung tâm T. chuyên luyện thi ĐGNL trực tuyến có hơn 2 triệu lượt theo dõi. Đơn vị này đăng tin cam kết điểm đầu ra với từng kỳ thi riêng, lần lượt là trên 100 điểm (ĐH Quốc gia (QG) Hà Nội), 17 (ĐH Bách khoa Hà Nội) và 850 (ĐHQG TP.HCM). "Nhưng có các điều khoản kèm theo", Trung tâm T. lưu ý, đồng thời gửi chúng tôi văn bản có mộc đỏ công ty về việc cam kết đầu ra và chính sách hoàn 100% học phí bằng tiền mặt hoặc quy đổi thành khóa học khác.

Theo đó, việc cam kết chỉ áp dụng với TS chọn mua gói "Combo 5V" có chi phí gần 2 triệu đồng, với lộ trình 3 giai đoạn gồm học kiến thức nền tảng, ôn luyện theo từng phần của đề và luyện đề. Điều kiện đặt ra là TS phải tích cực tham gia khóa học và có mức điểm khá trong các bài tập. Khi chúng tôi băn khoăn học lực bản thân chỉ ở mức 5, 6 điểm các môn mà thời gian ôn thi lại còn khá ít thì liệu có khả năng điểm cao, người của Trung tâm T. chắc nịch: "Nếu chăm chỉ và cố gắng thì em có thể đạt trên 850 điểm nhé".

Tiếp tục trao đổi với một trung tâm khác tên M.E có hơn 40.000 lượt thích đang rao tin cam kết giúp TS đạt hơn 120 điểm (ĐHQG Hà Nội) và 850 điểm (ĐHQG TP.HCM), chúng tôi được giới thiệu đến tài khoản N.T để được tư vấn kỹ hơn. Người này cũng cung cấp văn bản về việc cam kết tương tự như Trung tâm T., nhưng với nhiều điều kiện hơn như phải mở camera và micro để trao đổi trong suốt quá trình học, hay thi ĐGNL không quá 1 - 2 tháng kể từ ngày hoàn thành khóa học.

Cam kết này cũng chỉ áp dụng với khóa học trị giá gần 5 triệu đồng tại trung tâm, được thiết kế thành 48 buổi, mở lớp từ 20 - 22 giờ mỗi thứ ba, sáu, bảy, chủ nhật hằng tuần, từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 5. "Nếu vào sau, em sẽ được trung tâm cung cấp miễn phí toàn bộ bài giảng trước đó. Hiện tại, số lượng học viên đang đăng ký lớp khá là nhiều vì còn thời gian cam kết và sẽ nhận được voucher giảm 599.000 đồng học phí, em tranh thủ nha", N.T thông tin.

Ngoài ra, khi tìm đến một số trung tâm khác phổ biến trên mạng xã hội như K., V., H., chúng tôi cũng nhận thấy tất cả đều cam kết đầu ra với những mức điểm tối thiểu khác nhau. Đa số từ 800/1.200 và 100/150 điểm trở lên đối với kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội. Theo phổ điểm chuẩn của các năm trước, đây là thành tích đủ khả năng trúng tuyển vào những ngành tầm trung của các trường ĐH.

Tuy nhiên, theo T.H.N (18 tuổi, sinh viên Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) viễn cảnh các trung tâm đưa ra không thường là màu hồng. N. kể rằng cô đăng ký khóa học trực tuyến ở một trung tâm địa phương với mức giá "khá cao" so với mặt bằng chung, gồm 4 buổi dạy học các nội dung trọng tâm là toán học, toán logic và luyện các dạng đề thi. "Trung tâm đảm bảo tôi sẽ có được 800 điểm trở lên trong kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM", N. nói.

Đến khi vào học, nữ sinh luôn không hiểu bài vì tốc độ giảng của giáo viên (GV) khá nhanh, số lượng học sinh lại nhiều nên không thể kèm cặp từng người. Sau khi luyện đề, GV chỉ phân tích một số câu nâng cao vì không còn nhiều thời gian, và cách giải chú trọng xử lý một đề bài nhất định hơn là phương pháp chung cho cả dạng bài. "Tài liệu và bộ đề luyện thi được cung cấp cũng có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng và trong sách giáo khoa, không có gì mới mẻ và hữu ích", cô bộc bạch.

Những điều trên khiến N. "vỡ mộng", luôn hoang mang và áp lực. Cuối cùng, cô chỉ đạt số điểm 685, cách xa so với cam kết lúc đầu và cũng không nhận được bất kỳ bồi thường gì từ phía trung tâm. "Tôi nghĩ khóa học chỉ mang tính "lùa vịt", đăng những tấm gương thành tích cao của các khóa trước và cam kết điểm số để giật tít, thu hút nhiều TS nhất có thể. Nếu thi thử được điểm cao thì họ tuyên dương, còn điểm thấp lại không có hướng cải thiện cho TS", nữ sinh nêu quan điểm.

Cẩn trọng với chiêu trò quảng cáo luyện thi đánh giá năng lực - Ảnh 2.

Văn bản cam kết đầu ra cùng điều kiện TS phải thực hiện nếu muốn được hoàn học phí

NGỌC LONG


CHIÊU TRÒ QUẢNG CÁO

"Ở thời điểm đó, một số bạn bè tôi đã gác lại việc học để toàn tâm ôn thi ĐGNL và dùng nó làm phương thức xét tuyển. Vì cũng tham gia một số khóa học không đảm bảo như tôi nên kết quả đầu ra của các bạn không đạt như mong đợi. Và sau khi biết mình thiếu điểm để vào ngành mong muốn, các bạn ấy cũng không còn nhiều thời gian để ôn thi tốt nghiệp THPT", N. tiếc nuối.

Coi chừng đề ôn thi kém chất lượng


Từng đạt 1.009/1.200 điểm kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM năm 2022 và thuộc tốp 117 TS cao điểm nhất đợt 1, Nguyễn Ân Tín, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết một vấn đề nhức nhối khi vào mùa ĐGNL là nhiều đơn vị tung ra những đề luyện thi tự chế, bất chấp chất lượng để kéo tương tác, tạo doanh thu từ quảng cáo. "Đề "rởm" thường tổng hợp câu hỏi đã có trên đề tham khảo chính thức hoặc thậm chí không liên quan nội dung kỳ thi", Tín phân tích.

Theo nam sinh, việc ôn những đề kém chất lượng sẽ khiến TS tự tin "ảo", nghĩ mình có thể làm tốt ở đề chính thức, trong khi đề ôn thì lệch khỏi khung cấu trúc hoặc dạng bài thi ĐGNL. Một trường hợp khác là đề ôn khó hơn nhiều so với đề chính thức cũng khiến TS lo lắng và dành nhiều thời gian ôn tập kiến thức nâng cao, trong khi nội dung của đề lại chỉ tập trung ở mức phổ thông.

Một cách khác để nhận diện đề ôn thi kém chất lượng là trong bài có những câu vận dụng cao nặng về tính toán, cùng nội dung nằm ngoài hoặc quá cao so với chương trình THPT, theo thầy Lê Minh Xuân Nhị, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Tri Thức NP.

Đồng thời, thầy Nhị còn chỉ ra hai khía cạnh khác TS cần lưu tâm khi luyện thi. Thứ nhất là một số trung tâm cho phép sinh viên đứng lớp. Thứ hai là trước nhu cầu luyện thi tăng cao, một số trung tâm đã xảy ra tình trạng quá tải, ảnh hưởng chất lượng học tập nói chung.

Trước thực trạng nhiều trung tâm cam kết điểm đầu ra, một GV chuyên luyện thi ĐGNL đang công tác tại Q.3, TP.HCM khẳng định đây chỉ là chiêu trò quảng cáo "bao điểm" từng xuất hiện trong các khóa luyện thi tốt nghiệp THPT hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS.

"Điểm chung giữa các kỳ thi lớn là có ngân hàng đề rất rộng và yêu cầu nhiều kỹ năng làm bài. Thế nên, việc cam kết đạt trên một mức điểm nhất định là không thể và thực tế cũng chỉ ra rằng có không ít TS đạt kết quả thấp sau khi hoàn thành khóa học", người này nói.

Tuy nhiên, nam GV này nhìn nhận trung tâm cũng không hoàn toàn có lỗi. Để tối ưu hóa doanh thu, các trung tâm thường không quy định chuẩn đầu vào, vì thế trình độ học viên sẽ chênh lệch đáng kể. "Để rút ngắn khoảng cách này, trung tâm sẽ đề ra các điều kiện khác nhau xuyên suốt khóa học nhằm đảm bảo TS không chểnh mảng. Các khóa học áp dụng chính sách cam kết cũng thường là đắt và chất lượng nhất, có đủ các dịch vụ để trung tâm luôn có thể hỗ trợ TS", người này cho biết.

"Nhưng trừ khi TS đã có nền tảng kiến thức vững chắc, chỉ cần thêm sự hướng dẫn và gợi mở từ GV để đạt thành tích tối ưu, thì rất khó để một TS mất căn bản, có học lực trung bình đạt được kết quả cao chỉ sau thời gian ngắn", vị này nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.