Cẩn trọng với kiến ba khoang: Không nguy hiểm nếu được chăm sóc, điều trị đúng

Duy Tính
Duy Tính
29/06/2020 09:35 GMT+7

Cứ đến đầu mùa mưa là cư dân chung cư khu vực ngoại thành TP.HCM lo lắng việc kiến ba khoang chui vào nhà.

Ngày 28.6, trao đổi với PV Thanh Niên, chị G.L (ngụ tại Q.9, TP.HCM) cho biết 2 năm qua chị ngụ tại một căn hộ chung cư ở Q.9, TP.HCM; nhưng cứ đến tháng 6 là bị kiến ba khoang bay vào nhà gây lở loét da cho người thân trong gia đình.

Năm nào cũng nuôi… "thú cưng"

Bác sĩ chỉ cách bắt kiến ba khoang an toàn bằng giấy

“Căn hộ tôi ở lầu 6, hướng 2 cửa sổ, chung quanh có 1 bãi lau sậy lớn, có thể bọn kiến ở đấy. Nhưng năm nay nhiều hơn hẳn năm ngoái. Ông nhà tôi bị kiến bò lên người gây loét lưng. May mà có thuốc bôi để sẵn vài hộp nên cứ bị cắn là bôi. Nhưng sợ hơn là nhà có trẻ con”, chị G.L nói.

Kiến ba khoang “nổi dậy” trong mùa mưa

Cũng theo lời chị G.L thì gia đình né kiến ba khoang chỉ có cách buổi tối đóng cửa sổ rồi đi lùng sục bắt kiến. Sau đó, dùng thuốc xịt kiến xịt bên ngoài cửa sổ là sáng ra thấy kiến chết hàng loạt. Gia đình tính thay đèn vàng để kiến khỏi vào theo kinh nghiệm nhiều người ở chung cư mà chưa kịp làm.

Một người dân chung cư ở Q.9, TP.HCM bỏng rộp hết lưng do kiến ba khoang chui vào nhà

Ảnh: G.L

Một cư dân khác thì đưa hình bắt những con kiến ba khoang bỏ vào hủ nhựa lên facebook cá nhân và hài hước: "Như mọi năm, dịp này, mình lại nuôi "thú cưng".
Kiến ba khoang từ khu vực đất trống xung quanh tòa nhà tấn công các cư dân chung cư khiến Ban quản lý một chung cư ở Q.2 cũng khuyến cáo bà con cư dân hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào và sử dụng bình xịt côn trùng xịt lên cửa sổ, cửa ra vào. Ngoài ra, ban quản lý chung cư này cũng mô tả đặc điểm, hình dáng kiến ba khoang để mọi người nhận dạng, phòng tránh...
TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cho biết trong vài tuần qua, ngày nào Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cũng tiếp nhận những bệnh nhân đến khám vì viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Đây là một tình trạng thường xảy ra vào mùa mưa.

Kiến ba khoang tấn công khu dân cư và cách phòng tránh - Video tư liệu

Có thể thành dịch

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hào, kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis (Staphylinidae, Coleoptera), trong cơ thể chúng có chứa pederin - độc tính gây bỏng.
Loài côn trùng này có thân hình thon, dài như hạt thóc (dài 0,7 - 1 cm, ngang 2 - 5 mm), có hai màu cam sẫm và đen, nhìn giống con kiến, do đó dân gian còn gọi với nhiều tên khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong…

Ban quản lý một chung cư khuyến cáo cư dân

ẢNH: CTV

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang biểu hiện là thương tổn hồng ban, hơi phù nề, mụn nước, mụn mủ có dạng đường, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân. Thương tổn đối xứng (kissing lesions) có thể thấy ở vùng nếp gấp như nách, bẹn, nếp gấp khuỷu tay hoặc khoeo chân. Nếu độc tố dính vào tay, nhưng không rửa tay sạch ngay thì vô tình sẽ làm độc tố dính vào các vùng khác trên cơ thể. Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không gây nguy hiểm nếu được chăm sóc và điều trị đúng, nhưng có thể thành dịch làm cho nhiều người trong gia đình hoặc một khu dân cư cùng mắc bệnh một lúc, hoặc trên cùng một người có thể mắc nhiều lần trong mùa.
“Việc điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không khó nhưng nếu không đúng có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm khuẩn thứ phát và loét. Vì vậy khi mắc bệnh, người dân không tự điều trị mà nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc và xử lý thích hợp”, TS.BS Nguyễn Trọng Hào khuyến cáo.

Phòng ngừa kiến ba khoang như thế nào?

Theo TS-BS Nguyễn Trọng Hào, nếu có kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang.
Ngăn kiến ba khoang vào trong nhà bắng cách sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào, nên ngủ trong mùng/màn, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà. Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, nhất là những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình xây dựng.
TS.BS Nguyễn Trọng Hào cho biết thêm, trong trường hợp đã tiếp xúc với kiến ba khoang hoặc nghi ngờ là đã tiếp xúc với chúng, nên thực hiện theo hướng dẫn sau:
Nếu có kiến ba khoang đang bò trên người, hãy thổi kiến bay khỏi người hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra, sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc.
Không nên đập chết hoặc chà xát chúng trên da. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc để hạn chế độc tính. Ngoài ra, người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Ông Trần Đăng Khoa, Phụ trách khoa Ký sinh trùng, côn trùng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trước đây kiến ba khoang ít ra môi trường dân cư. Nhưng hiện nay kiến ba khoang hay bay vào chung cư nhưng số lượng không nhiều. Nguyên nhân là do con người khai phá – tiến đến gần môi trường sinh sống của kiến. Cứ vào đầu mùa mưa, kiến bắt đầu sinh sản và theo ánh đèn ra ngoài, tìm nguồn sáng để giao phối. Loại kiến này có cánh nhỏ trên lưng và bay theo hướng gió. Người dân khi gặp kiến ba khoang thì đừng giết vì như vậy sẽ làm lan dịch từ kiến. Đồng thời nên dùng bình xịt côn trùng xịt khu vực cửa sổ, cửa ra vào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.