Cẩn trọng với lạm phát

25/11/2011 01:40 GMT+7

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,39% sau một tháng, tăng 17,5% sau mười một tháng, tăng 19,83% sau một năm và bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 18,62%.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,39% sau một tháng, tăng 17,5% sau mười một tháng, tăng 19,83% sau một năm và bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 18,62%. Từ các thông tin trên và lường đoán các yếu tố tác động tới đây, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.

CPI đã tiếp tục tăng chậm lại. CPI tháng 11 tiếp tục tăng thấp; là tháng thứ tư liên tiếp ở mức dưới 1%; thấp hơn tốc độ tăng của tháng cùng kỳ trong hai năm trước đó. Việc tăng chậm lại của CPI là kết quả tích cực của các biện pháp thắt chặt tài khóa, tiền tệ; của việc “co lại” trong đầu tư và tiêu dùng; của việc dừng tăng một số loại giá; của việc chuyển phương thức điều hành tỷ giá... Việc tăng chậm lại của CPI là tín hiệu bước đầu mang lại lòng tin của người tiêu dùng, nhất là người có thu nhập thấp. Người gửi tiết kiệm đã có lãi suất thực dương; các ngân hàng có điều kiện để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện để “cứu” sản xuất - nền tảng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, do tăng cao trong các tháng đầu năm (bình quân 7 tháng tăng 1,97%/tháng, trong đó bốn tháng tăng 2,33%/tháng), nên sau 11 tháng đã tăng khá cao. Trong các nhóm hàng hóa, dịch vụ, tốc độ tăng giá 11 tháng qua, cao hơn tốc độ chung có 4 nhóm (thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, giáo dục, giao thông); thấp hơn tốc độ chung có 9 nhóm và có một nhóm giá giảm.

Tuy CPI tăng chậm lại trong mấy tháng qua, nhưng cần cẩn trọng với tốc độ tăng từ tháng 12. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, CPI tháng 12 có thể tăng trên 1% và có thể cao hơn nữa trong tháng 1, tháng 2 năm sau. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu đầu tư, tiêu dùng cuối năm, đặc biệt vào dịp tết Nguyên đán, thường cao hơn nhiều so với các tháng khác trong năm. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ giá thế giới, từ tỷ giá...

Để kiềm chế lạm phát cao trong những tháng tới, cần tập trung vào việc kiềm chế tốc độ tăng giá của những mặt hàng có thể đẩy CPI lên, trong đó hết sức chú ý những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối năm. Cần cẩn trọng với việc điều hành tốc độ tăng tỷ giá; Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục thực hiện phương thức hiện nay, nhưng cần hãm nhịp độ lại, tránh “trườn bò” nhanh như tháng 10. Cần cẩn trọng với việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu, than... không chỉ vào tháng 11, tháng 12 mà cả tháng 1, tháng 2 sang năm. Tiếp tục giảm tốc độ tăng tín dụng, tăng tổng phương tiện thanh toán xuống còn khoảng 12%.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.