Cẩn trọng với thịt nhập khẩu

04/05/2009 23:29 GMT+7

Từ vụ hàng ngàn container thực phẩm đông lạnh nhập khẩu ứ đọng tại các cảng ở phía Bắc, Thanh Niên tiếp tục tìm hiểu về chất lượng của các loại thực phẩm đông lạnh có mặt trên thị trường hiện nay... Mời nghe đọc bài

Theo quy định quản lý thịt nhập khẩu, các doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận kiểm dịch mới được bán ra thị trường, đồng thời thịt nhập khẩu không được xé lẻ phân phối. Thế nhưng...

Xé lẻ để bán

Trước tình hình thịt ngoại được nhập mạnh khiến ngành chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng, đầu tháng 3.2009, Bộ Tài chính tiếp tục có quyết định tăng thuế suất nhập khẩu thịt trâu, bò tươi và ướp lạnh (cả con hoặc nửa con không đầu) từ 17% lên 33%. Sau 2 lần thực hiện chính sách nâng thuế nhập khẩu, số lượng thịt ngoại nhập vào Việt Nam đã giảm đáng kể so với trước đây. Thống kê cho thấy trung bình mỗi tháng, kim ngạch nhập khẩu thịt đã giảm từ 21 - 24%. Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhiều công ty kinh doanh gia cầm ở nước ngoài cắt giảm sản lượng. Chính vì vậy lượng thịt nhập khẩu cũng giảm bớt.       

Việc sử dụng thực phẩm cấp đông cần lưu ý. Theo bác sĩ Lê Kim Huệ, với những thực phẩm cấp đông, khi đã rã đông thì phải sử dụng hết một lần. Cụ thể, nếu một miếng thịt được cấp đông, khi lấy ra rã đông không được cắt một phần để chế biến dùng, còn một phần lại cho vào cấp đông lại, làm như thế phần thịt còn lại sẽ bị nhiễm vi khuẩn (vì vi khuẩn rất dễ sinh sôi khi thay đổi nhiệt độ như thế).

Giám đốc một công ty thực phẩm trong nước cho biết, thông thường thịt nhập khẩu được bảo quản trong điều kiện -200C và nhập về vài tháng là tiêu thụ hết, nhưng không hiếm thời điểm phải để cả năm mới tiêu thụ dù trên lý thuyết về bảo quản là hoàn toàn được phép. Bên cạnh những đơn vị phân phối chính thức thì thịt nhập khẩu vẫn đang được tiêu thụ âm thầm bằng nhiều cách, trong đó các doanh nghiệp nhỏ tự nhập khẩu về phân phối cho các nhà hàng, bếp ăn vẫn đang chiếm đa số. Chỉ cần lướt qua các trang web rao vặt sẽ thấy xuất hiện hàng loạt những công ty nhỏ chuyên nhập khẩu, phân phối mặt hàng này.


Huy động máy phát điện để bảo quản hàng đông lạnh trong các container ở cảng tại Hải Phòng - Ảnh: L.C.S

Trong vai một người cần mua thịt nhập khẩu để bán lẻ, PV Thanh Niên được anh T., chủ một doanh nghiệp chuyên phân phối thịt nhập khẩu có trụ sở tại Hóc Môn (TP.HCM) "chỉ vẽ" tận tình. T. cho biết, thịt gà hiện nay bán đã ít có lời như trước, nhưng thịt heo thì bán có lợi nhuận rất cao. Giá thịt heo cốc lết nhập khẩu được giao đến tay nhà bán lẻ chỉ khoảng 34.000 đồng/kg, trong khi giá thịt cùng loại trong nước khoảng 60.000 đồng/kg. Thấy chúng tôi có ý định muốn kinh doanh thịt gà nhập khẩu, T. "bật mí": "Thịt gà đông lạnh nhập khẩu về chỉ được bán nguyên thùng, không được xé lẻ để bán, nếu cơ quan  thú y bắt được thì họ sẽ tịch thu và phạt, nhưng nếu anh muốn bán thì vẫn có "chiêu" né tránh bằng cách bán lẫn với các loại thịt khác, đừng có trưng bày ra". T. cho biết, hiện công ty của T. cung cấp thịt nhập khẩu cho các địa bàn Q.Gò Vấp, Tân Bình, H.Hóc Môn cho gần 90% các bếp ăn nhỏ. "Một dĩa cơm đùi gà bình quân chỉ khoảng 15.000 đồng, nếu anh sử dụng thịt gà trong nước thì làm gì có giá đó, mà bán cao hơn thì người có thu nhập thấp làm sao ăn được? Thịt nhập khẩu có chỗ đứng là ở chỗ đó" - T. kết luận.

Không nên dùng nội tạng đông lạnh nhập khẩu

Trên thực tế, thực phẩm ngoại nhập từ khi giết mổ xong đến khi cấp đông, bán hàng, doanh nghiệp trong nước nhập về, vận chuyển, phân phối tiêu thụ, đến tay người tiêu dùng... cũng mất vài tháng đến cả năm hoặc hơn. Chất lượng các loại thịt và thậm chí có khi là nội tạng động vật nhập khẩu này như thế nào? PV Thanh Niên trao đổi với các nhà chuyên môn ở lĩnh vực dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm về việc thực phẩm cấp đông.

Bác sĩ Lê Kim Huệ - Trưởng phòng Truyền thông - Đào tạo (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho rằng: "Tùy từng loại thực phẩm, thời hạn lưu trữ mà quy định nhiệt độ bảo quản tương thích để giữ cho thực phẩm không bị hư. Tuy nhiên, cho dù có bảo quản đảm bảo thực phẩm không bị hư, nhưng nếu thực phẩm cấp đông quá lâu cũng sẽ bị mất đi nhiều chất bổ dưỡng, cụ thể là mất đi các loại vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B; các khoáng chất (như sắt, kẽm, magiê...); các acid béo. Đáng lưu ý, chất đạm cũng bị phân hủy, biến chất...". Ngoài ra, theo bác sĩ Lê Kim Huệ, ở các nước tiên tiến, người ta thường không dùng đến các bộ đồ lòng (lòng gà, lòng heo...), một phần là vì, bộ đồ lòng chứa hàm lượng cholesterol rất cao, dùng sẽ không có lợi cho sức khỏe, nhất là bệnh tim mạch. Quan trọng hơn, bộ đồ lòng, dạ dày của động vật gia súc, gia cầm thường chứa nhiều vi khuẩn, chất độc hại, nếu làm không sạch ăn dễ bị nhiễm bệnh. Do vậy, với những thực phẩm này, trước khi cấp đông cần phải có khâu sơ chế kỹ, phải xử lý cho sạch, và hút chân không... rồi mới cấp đông. Trên đường vận chuyển cũng phải đảm bảo nhiệt độ âm luôn ổn định, vì nếu thay đổi nhiệt độ thì độ an toàn của thực phẩm không được đảm bảo. Khi thay đổi môi trường, nhiệt độ từ thấp lên cao, vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở rất nhiều trong thực phẩm...

Tương tự, bác sĩ Trần Văn Ký - phụ trách An toàn vệ sinh thực phẩm phía Nam của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cũng cho rằng, các loại đồ lòng, chân, đầu... động vật, gia súc là những thứ các nước bỏ đi, không dùng cho người, mà chỉ dùng làm thức ăn cho gia súc. Bởi, đầu, chân là những bộ phận không có chất dinh dưỡng; còn bộ đồ lòng là nơi chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Theo bác sĩ Ký: "Nếu cấp đông quá lâu, một số chất đạm sẽ bị biến chất - từ chất dinh dưỡng trở thành chất gây độc. Có những thực phẩm để quá lâu, khi dùng chỉ còn 30% thành phần dinh dưỡng, nhưng lại chứa đến 70% thành phần độc chất". Vì những lý do trên, mà ông Ký cho rằng, cần cấm nhập những loại bộ đồ lòng, đầu, chân gia súc, gia cầm vì đó là những thứ phế thải của các nước.

Vụ thịt "ngoại" tắc cảng: Lưu kho quá ngày, phải quay trở về nơi xuất xứ

Liên quan đến thông tin thịt "ngoại" ứ đọng tại các cảng ở Móng Cái và Hải Phòng, ông Vũ Quang Vinh, Vụ trưởng Vụ Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết:

Sáng ngày 4.5, chúng tôi đã nhận được báo cáo nhanh từ hải quan Hải Phòng và Quảng Ninh. Đúng là có hiện tượng thịt "ngoại" ách tắc tại các cảng chưa xuất đi được như Báo Thanh Niên đã phản ánh. Hầu hết các container tồn đọng tại cảng là nhập tái xuất, nói nôm na là chỉ quá cảnh tại Việt Nam trước khi nhập sang Trung Quốc. Việc các container tồn kho gây ách tắc không phải do hải quan mà là do nguyên nhân khách quan, phía Trung Quốc không cho nhập hàng.

Chúng tôi đã yêu cầu hải quan các địa phương chậm nhất trong 3 ngày tới có báo cáo bằng văn bản thống kê về số lượng các container tồn kho đến thời điểm này là bao nhiêu. Những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, hải quan sẽ tìm tháo gỡ dần dần. Trước mắt, Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan các tỉnh tìm cách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tìm cách giải tỏa lô hàng tồn kho.

Với những trường hợp lưu kho quá ngày, sẽ phải quay trở về nơi xuất xứ. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là vấn đề lưu kho, lưu bãi, nhất là nguồn điện rất tốn kém vì chạy để bảo quản lạnh, các container phải sử dụng nguồn điện công suất lớn chứ không phải thông thường. Do vậy, để tránh tình trạng ách tắc, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam tạm nhập tái xuất không nên tiếp tục ký hợp đồng dịch vụ với các đối tác nước ngoài.

T.Hằng

Quang Thuần - Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.