Rớt giá khi vào vụ
Ngay sau tết, nông dân trồng tiêu tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai... bước vào vụ thu hoạch, kéo dài đến tháng 4. Đáng nói, giá hồ tiêu liên tục giảm mạnh. Hiện tại các địa phương, giá tiêu điều chỉnh giảm 500 - 1.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang được thương lái thu mua ở mức 58.000 đồng/kg, giảm mạnh 1.000 đồng/kg. Tại Bình Phước, Đồng Nai giá tiêu hôm nay duy trì ở 57.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Bà Lê Thị Hoàn (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang canh tác 1,3 ha hồ tiêu cho biết, từ mùng 7 tết, gia đình bà đã phải huy động hết bà con họ hàng để kịp thu hoạch do hồ tiêu chín rộ.
"Nguồn nhân công làm thuê để thu hoạch hồ tiêu khan hiếm, giá thuê tăng lên 280.000 - 300.000 đồng/người/ngày, nguồn thu không đủ chi phí thuê nhân công. Ngoài chín sớm, năm nay hồ tiêu mất mùa, giá bán cũng đang ở mức thấp, chỉ 58.000 - 59.000 đồng/kg, tính sơ bộ vụ này lỗ hơn 10 triệu đồng/ha", bà Hoàn cho hay.
Cũng trong tình cảnh tương tự, vườn hồ tiêu 1,1 ha của ông Lê Xuân Liên (ngụ ấp 2, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) chín đỏ rực và rụng đầy gốc. Để tránh thất thoát, ông phải bỏ tiền mua lưới về rải khắp vườn để hứng trái hồ tiêu rụng khi không kịp thu hoạch. Mặc dù năm nay, sản lượng ổn định hơn năm ngoái, song với giá bán giảm, cộng với chi phí đầu tư tăng cao nên lợi nhuận mang lại không như mong đợi.
Ông Nguyễn Lương Bình - đại lý thu mua hồ tiêu bộc bạch: "Mới đầu năm, hồ tiêu đã lao dốc thật chán nản. Đầu vụ năm trước giá vẫn còn xấp xỉ 80.000 đồng/kg, năm nay chỉ còn chưa đến 60.000 đồng/kg, chủ vườn nào không có khả năng tài chính để trữ hàng thì buộc phải bán. Từ tháng 10.2022, tôi dự đoán giá tiêu sẽ tăng nên ôm vô cả trăm tấn, đến giờ cũng 3 tháng rồi, giá tiêu hiện nay mà lao dốc còn 50.000 - 55.000 đồng/kg là tôi chết chắc".
Cẩn trọng với chiêu "dìm giá"
Vụ thu hoạch chính của Việt Nam kéo dài đến hết tháng 4. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự đoán năm 2023 sản lượng tăng khoảng 5% so với 2022 lên 180.000 - 185.000 tấn.
Theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPA, năm 2022, giá hồ tiêu giảm đã tác động tới đời sống người nông dân, nhiều vườn tiêu bị bỏ hoang. Tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, các chi phí vật tư đầu vào như phân bón, thuốc, giá nhân công tăng cao càng làm cho việc sản xuất của nông dân và doanh nghiệp thêm phần khó khăn. Bước sang năm 2023, dự báo xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục gặp khó khăn do lạm phát và khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa chấm dứt, đặc biệt là ở khu vực châu Mỹ và châu Âu, xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa tạm lắng. Tuy nhiên, việc thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ lớn đã tạm mở cửa trở lại, sức tiêu dùng thị trường lớn với quy mô dân số toàn cầu đã đạt 8 tỉ, hàng tồn lưu kho tích lũy tại các nước nhập khẩu từ những năm trước đã không còn nhiều giúp củng cố yếu tố hỗ trợ phục hồi thị trường trong năm 2023.
Với thông tin thương nhân Trung Quốc đang xuất ngược hồ tiêu vào Việt Nam tiêu thụ, bà Hoàng Thị Liên cho rằng thông tin này chưa có cơ sở để kiểm chứng. "Thông thường, trước vụ thu hoạch, một số thương lái sẽ có chiêu trò tung thông tin bất lợi để ép giá nông dân. Với những người có kinh nghiệm lâu năm, họ sẽ bình tĩnh và chờ đợi mức giá thuận lợi, phù hợp mới bán, còn với những người chủ vườn nhỏ lẻ, vốn ít, cần xoay xở tài chính thì có thể sẽ hoang mang".
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, nói: "Tôi chẳng bao giờ tin và mất thời gian cho những thông tin như thế. Về mặt logic Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới trước đây chỉ có chúng ta xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu sang Trung Quốc. Điểm thứ hai là Trung Quốc đóng cửa chống dịch kéo dài thời gian qua; nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước còn không đủ họ lấy đâu sản phẩm mà xuất sang Việt Nam?".
Một số lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành hồ tiêu bất ngờ trước thông tin trên và cho rằng đó là thông tin không xác thực hoặc có những ý đồ xấu làm ảnh hưởng thị trường nội địa khi hồ tiêu vào vụ thu hoạch rộ.
Theo lãnh đạo VPA, với năng lực chế biến đạt 140.000 tấn/năm như hiện nay, Việt Nam tiếp tục có khả năng tăng cao hơn tỷ lệ hàng xuất khẩu qua chế biến hơn nữa so với tỷ lệ hàng chế biến chỉ đạt 30% như hiện nay. Hiện nay, nhiều thị trường nhập khẩu như Mỹ, EU đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao, đặc biệt là về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Việc gia tăng chế biến sâu sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm, tăng chất lượng và giá trị, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị để tiếp tục khẳng định uy tín và thương hiệu quốc gia của ngành hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bình luận