Liên tục cảnh báo trên website Cục ATTP
Liên tục thời gian qua, các quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng (TPBVSK/TPCN) với nội dung “quảng cáo công dụng sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh” hoặc “Vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng” đăng tải trên một số website đã bị Cục ATTP phát hiện và chấn chỉnh.
“Khi xử lý vi phạm về quảng cáo, chúng tôi mời công ty có sản phẩm có nội dung vi phạm quy định quảng cáo, đăng tải trên các trang web, trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cũng có trường hợp doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đó cho biết, họ không đứng ra quảng cáo, mà những người làm đại lý của họ đứng ra để làm thủ tục quảng cáo”, ông Phong cho biết.
Theo ông Phong, với trường hợp nêu trên, nếu xử lý doanh nghiệp thì không đúng với đối tượng vi phạm. Do đó, để người tiêu dùng được biết về vi phạm, chúng tôi đã công bố trên trang website chính thức (vfa.gov.vn) của Cục ATTP về tên sản phẩm đang vi phạm, địa chỉ trang website đang vi phạm, nội dung vi phạm. Qua đó, cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm đang quảng cáo tại trang website đó.
“Đồng thời, chúng tôi có văn bản gửi Bộ Thông tin Truyền thông là đơn vị quản lý các trang website điện tử, thông báo rõ địa chỉ vi phạm, nội dung vi phạm để xử lý theo thẩm quyền. Thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi có sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông đã buộc phải tháo gỡ, và bị xử phạt theo quy định của pháp luật”, ông Phong cho hay.
|
|
Ngoài ra, có những trang web do các Sở Thông tin - Truyền thông của các địa phương quản lý cũng đã được thông báo và các sở cũng vào cuộc chấn chỉnh.
Ông Phong cũng cho biết, một số website máy chủ đặt ở nước ngoài, hay một số vi phạm khi quảng cáo trên Facebook, đại diện lãnh đạo Cục ATTP đã làm việc với đại diện Facebook cùng với Bộ Thông tin - Truyền thông để trao đổi về việc kiểm soát nội dung quảng cáo TPCN, TP BVSK. Theo đó, nơi nhận quảng cáo sản phẩm chỉ quảng cáo khi sản phẩm đó đã thực hiện đầy đủ các quy định pháp lý liên quan chất lượng và nội dung quảng cáo; thông tin quảng cáo chỉ được đăng tải nội dung quảng cáo đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Hiện tại, phía Facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng VN để gỡ và đóng các trang website, tài khoản vi phạm.
Cá nhân đại diện nhãn hàng TPCN cần tuân thủ quy định
Liên quan đến việc gần đây các công ty, nhà sản xuất đưa hình ảnh các nhân vật của công chúng, người nổi tiếng để làm quảng cáo cho các nhãn hàng, sản phẩm TPCN, TP BVSK, ông Phong cho biết thêm: “Nếu trước đây một số website đăng tải hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo quá mức về sản phẩm TPCN, TP BVSK thì gần đây nhiều sản phẩm đã lựa chọn người nổi tiếng, người được nhiều người biết đến như: MC, diễn viên, biên tập viên của một số cơ quan báo đài để quảng cáo cho sản phẩm. Việc sử dụng hình ảnh đó không vi phạm nhưng một số sản phẩm có nội dung quảng cáo vi phạm”.
“Chúng tôi mong muốn, các cá nhân khi tham gia quảng bá cho sản phẩm dù là hình thức nào cũng cần thông tin đúng về sản phẩm trên cơ sở nội dung quảng cáo đã được cấp phép. Không vì quyền lợi cá nhân mà thổi phồng, nói quá mức về tác dụng của sản phẩm”.
Ông Phong lưu ý, TPCN, TP BVSK ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng, đặc biệt là các sản phẩm được quảng bá dùng cho người muốn giảm cân, người bệnh gout, người bệnh xương khớp, mỡ máu, đái tháo đường, ung thư… nếu quảng cáo gây lầm tưởng có tác dụng là điều trị có thể khiến người bệnh xao nhãng hoặc không tuân thủ điều trị theo đơn của bác sĩ, gây hệ lụy ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí khiến bệnh nặng hơn. “Do đó, không chỉ chú trọng quản lý chất lượng, việc kiểm soát quảng cáo nhằm ngăn chặn quảng cáo quá mức về công dụng của sản phẩm là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng”, ông Phong khẳng định.
Bình luận (0)