Cẩn trọng với Wechat !

27/07/2012 03:10 GMT+7

Ứng dụng Wechat, hiện có mặt ở Việt Nam, đã bị truy vấn trách nhiệm tại Trung Quốc vì liên quan đến việc người dùng có thể gặp nguy hiểm.

Cuối tuần trước, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài cảnh báo về nguy cơ người dùng các ứng dụng trên điện thoại di động (ĐTDĐ) như Weixin, Momo, Jack’d có nguy cơ bị làm “con mồi” của bọn tội phạm.

Trong đó, thông qua ứng dụng Weixin, còn có tên gọi là Wechat và hiện đang hoạt động tại nhiều nước gồm cả Việt Nam, bọn tội phạm có thể dễ dàng tiếp cận những người dùng khác. Vốn dĩ, Wechat là một ứng dụng nhắn tin, chia sẻ nội dung như một mạng xã hội trực tuyến đa phương tiện nhiều tính năng. Tuy nhiên, bằng tính năng “Look Around” trên Wechat, những tên tội phạm có thể dễ dàng xác định thông tin về những người dùng ứng dụng trên và đang ở gần bọn chúng.

Đặc biệt, ứng dụng Wechat hiện có đến 100 triệu người sử dụng tại Trung Quốc nên số lượng “con mồi” rất phong phú. Bằng cách này, một người đàn ông họ Cao (32 tuổi) đã tiếp cận cưỡng hiếp 7 phụ nữ trẻ. Hoàn Cầu thời báo dẫn lời giới chức cảnh sát thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, cho hay họ tiếp nhận 20 trường hợp phạm tội thông qua Wechat tính từ tháng 12.2011. Ngoài ra, cảnh sát Bắc Kinh, Nam Kinh và Quảng Châu đã đưa ra các cảnh báo dành cho người dùng Wechat.

 Wechat đang phát triển rầm rộ tại Việt Nam - Ảnh: Chụp từ màn hình máy tính.
Wechat đang phát triển rầm rộ tại Việt Nam - Ảnh: Chụp từ màn hình máy tính.

Câu hỏi trách nhiệm

Sau những vụ việc trên, dư luận Trung Quốc không khỏi đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Công ty Tencent, nhà cung cấp ứng dụng Wechat. Theo khảo sát về vấn đề trên do cổng thông tin Ifeng.com thực hiện hồi tuần trước, có đến 42% trong 31.742 người được hỏi cho rằng Tencent “phải chịu trách nhiệm”. Hoàn Cầu thời báo dẫn lời một nhân viên văn phòng tên Trần Kỳ Phong ở Thượng Hải nhận xét: “Mặc dù Weixin (Wechat - NV) có cài đặt bảo mật nhưng điều này chưa đủ”. Tương tự, báo trên dẫn lời luật sư họ Hạ nhận định các nhà phát triển ứng dụng phải có trách nhiệm cảnh báo người dùng về những nguy hiểm tiềm ẩn trong một số tính năng. Ngoài ra, Hoàn Cầu thời báo thông báo họ vẫn chưa nhận được phản hồi từ Tencent về việc tăng cường bảo mật cho ứng dụng do công ty này cung cấp.

Rầm rộ tại Việt Nam

Nằm trong chiến lược phát triển quốc tế, Tencent đang đẩy mạnh hoạt động của Wechat tại nhiều nước. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, Wechat đã xuất hiện rầm rộ ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Một số trang mạng, diễn đàn trong nước không tiếc lời ca ngợi rằng: “Cộng đồng mobile xôn xao về ứng dụng WeChat”.

Các cộng đồng Wechat Việt Nam còn hình thành cả trên mạng xã hội Facebook. Đặc biệt, trang Wechat Việt Nam trên Facebook có không ít thành viên có tên giống nghệ sĩ trẻ như: Khởi My, Đông Nhi, Bảo Thy, Ngô Kiến Huy, Diễm My 9X… và những thành viên này đã không tiếc lời “quảng bá” cho Wechat, kêu gọi giới hâm mộ dùng ứng dụng Wechat. Với những thực tế vừa nêu, Wechat sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khi chưa được giảm thiểu hiệu quả các nguy cơ và nhà cung cấp Tencent chưa đưa ra cảnh báo cụ thể, người dùng ứng dụng này có thể đối mặt những rủi ro như đang xảy ra tại Trung Quốc.

Tencent từng bị cáo buộc làm “gián điệp”

Được thành lập từ năm 1998 và có trụ sở đặt tại TP.Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), Tencent nhanh chóng phát triển trở thành một đại gia hàng đầu trong lĩnh vực internet của thế giới. Tencent hiện cung cấp hầu hết các dịch vụ trực tuyến như các micro blog, nhắn tin nhanh, cổng thông tin điện tử...

Trong đó, dịch vụ nhắn tin nhanh QQ của Tencent đang nằm trong nhóm dẫn đầu tại thị trường Trung Quốc. Đến nay, các dịch vụ của công ty này có đến hàng trăm triệu người dùng, đem lại lợi nhuận nhiều tỉ USD mỗi năm. Theo tờ Hoàn Cầu thời báo, Công ty bảo mật internet Qihoo 360, cũng của Trung Quốc, cuối năm 2010 đã cáo buộc dịch vụ tin nhắn nhanh QQ làm “gián điệp” khiến thông tin người dùng bị rò rỉ.

Đáp lại, Tencent cho rằng Qihoo 360 cài các phần mềm độc hại. Bất đồng của hai bên chỉ lắng dịu sau khi Bộ Công nghiệp - Công nghệ thông tin Trung Quốc can thiệp. Sau đó, Tencent đã phải đưa ra thông cáo xin lỗi khách hàng.

Lê Loan

Ngô Minh Trí

>> Tin tặc Trung Quốc tấn công hải quân Ấn Độ?
>> Gần 10.000 tài khoản Twitter rơi vào tay tin tặc
>> “Tin tặc Trung Quốc” tấn công website đại học Philippines
>> Chuyện gây hấn từ tin tặc Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.