Cần từ bỏ con đường tiểu ngạch

26/07/2022 06:28 GMT+7

Bên cạnh vấn đề bảo đảm chất lượng, nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn được “nhà buôn” chọn hình thức “dễ ăn” nhất là xuất tiểu ngạch qua đường mậu biên.

Hiện chính những loại trái cây đã được cấp phép nhập khẩu chính thức vào Trung Quốc hay các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật vẫn được ùn ùn chở lên các cửa khẩu vùng biên giới Việt - Trung và thường xuyên chịu cảnh ùn ứ do đi bằng đường tiểu ngạch. Rất nhiều lần cơ quan hải quan, sở công thương các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Bộ Công thương… khuyến cáo doanh nghiệp (DN) tính toán kỹ khi đưa hàng lên biên giới, tránh bị hư hỏng phải bỏ nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Nhiều loại nông sản Việt Nam đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang nhiều nước nhưng cần bảo đảm chất lượng và bỏ thói quen xuất tiểu ngạch

phan hậu

Ông Nguyễn Hữu Lộc - chủ một DN chuyên xuất khẩu (XK) xoài từ Bình Định đi Trung Quốc - bằng đường tiểu ngạch kể, công ty chuyên thu mua và XK xoài qua đường tiểu ngạch từ 7 năm qua. Cuối năm 2021, công ty phải đổ bỏ 2 container xoài do bị chậm 15 ngày không xuất đi được do phía Trung Quốc kiểm soát và yêu cầu quá chặt về chính sách phòng chống Covid-19. Sang đầu năm nay, cũng có vài đợt hàng đi và về không lãi vì chi phí đội lên, chất lượng hàng bị giảm vì “ngâm” trong xe quá lâu. Nhưng khi được hỏi tại sao không đưa hàng sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch, ông Lộc than: “Khó lắm, mua có bạn, bán có phường. Mấy “ông” bên Trung Quốc mua hàng không chịu mua qua đường chính ngạch đâu, đóng thuế cao, phí vận tải biển cũng cao. Có lần chúng tôi cũng có đề cập, hỏi dò thông tin, họ gạt ngay, bảo tụi tao mua qua đường bộ quen rồi. Đồng ý thì bán. Tiền cũng được trả sớm hơn. Nên thôi, bỏ ý định bán theo hợp đồng này nọ…”.

“Nếu chúng ta có quy định chung với toàn ngành hải quan rằng hàng hóa xuất đi Trung Quốc qua đường biên, không có hợp đồng mua bán, không cho thông quan thì tỷ lệ “thích bán hàng qua đường tiểu ngạch” sẽ giảm ngay”.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN

Theo phân tích của ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, nhiều nông dân, thương lái vẫn có thói quen XK hàng nông sản tiểu ngạch vào Trung Quốc. Kiểu buôn bán vùng ven này dễ dàng, hàng trao nhận tiền ngay mặc dù giá cả không ổn định, thậm chí có khi bị đóng cửa khẩu. Trong khi đó, để XK chính ngạch thì trước tiên phải là DN, đăng ký tài khoản ngân hàng, có đàm phán ký hợp đồng với đối tác trước… nên nông dân, thương lái cũng ngại không làm. Song song đó, Trung Quốc cũng có nhiều quy định đảm bảo chất lượng hàng hóa với các chỉ tiêu cụ thể nên càng được xem là “khó”. Tuy nhiên, ông Tùng khẳng định khó hay dễ là do DN có chịu làm hay không? Nếu có đầu tư, tìm hiểu kỹ thì sẽ thực hiện được.

Tương tự, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, đánh giá thói quen này được duy trì thực tế là có sự thỏa thuận giữa bên bán và bên mua. Khi không có chính sách, yêu cầu nào ràng buộc, DN hai bên quen mua bán tại chợ mậu biên, cứ vậy mà trao đổi hàng hóa. Muốn chuyển sang chính ngạch, phải dựa vào thỏa thuận giữa bên mua hàng và bên bán mà đa phần là do phía mua hàng (Trung Quốc) yêu cầu. Bán hàng qua tiểu ngạch thường không có hợp đồng mua bán, trao đổi hàng và nhận tiền ngay tại biên giới… nhưng cơ quan hải quan cho đi hết. Trong khi hàng đi bằng đường tàu biển bắt buộc phải có hợp đồng mới cho thông quan. Như vậy, vấn đề ở đây là ngoài thói quen của nhà kinh doanh, vai trò của nhà quản lý, gác cổng thông quan rất quan trọng. Vấn đề quan trọng hơn, theo ông Đặng Phúc Nguyên là muốn chuyển hệ chính ngạch, hàng nông sản Việt phải nâng chất lượng, ổn định chất lượng và giá trị của mình lên. Công tác kiểm dịch thực vật, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất… phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định các thị trường khó tính. Cái này, trách nhiệm lớn nhất là nhà sản xuất. Họ làm hàng đi thị trường nào, phải hiểu rõ thị trường đó để không xảy ra sự cố gây mất uy tín cho hàng XK Việt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.