Hanel được chỉ định thầu cấp trạm cân
Được đầu tư hơn 2 tỉ đồng mỗi trạm cân, nhưng tình trạng trục trặc tại một số trạm, cộng thêm việc tài xế quá tải tìm đủ cách “lách” trạm, khiến việc cân xe, kiểm soát tải trọng xe đang gặp khó khăn.
Một số trạm cân trục trặc, tài xế tìm mọi cách "lách" - Ảnh: Mai Hà |
Tại hội nghị sơ kết thực hiện trạm cân tải trọng xe do Bộ GTVT tổ chức ngày 17.4, đại diện Sở GTVT Quảng Trị phản ánh, cứ trời mưa to là trạm cân trục trặc, CSGT phải dừng lại để chờ. Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên cũng cho biết, thời gian đầu triển khai chưa thành thạo, mạng 3G lỗi phải khởi động, mỗi lần 15 - 20 phút dẫn đến trạm cân trục trặc. Lái xe cố tình đứng lệch cân cũng trục trặc, chưa kể mỗi lần 5 - 6 xe vào thì không thể cân liên tục.
|
Mời nhà sản xuất trạm cân phát biểu, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng đặt kèm yêu cầu doanh nghiệp này phải nói rõ có tiêu cực gì không. Ông Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty Hanel khẳng định, mẫu trạm cân đã được phê duyệt của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các trạm cân Hanel sản xuất cũng đã được kiểm định và đánh giá đạt tiêu chuẩn cao nhất theo 3 mức đánh giá (sai số 0,5%). 99% thiết bị nhập khẩu từ các nước châu u, Nhật Bản, chỉ có bóng đèn Led màn hình của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận, tính từ năm 2013 đến nay đã có 33 sự cố liên quan đến trạm cân (tính từ đầu năm 2014 là 25 sự cố). Trong đó, 9 trường hợp do thiết bị, trong đó có đèn Led kết nối với máy tính bị lỗi, 2 lỗi camera, pin không nạp điện, 5 lỗi do lỗi thời tiết như mưa, vận chuyển… Ông Bình khẳng định các lỗi này đã được khắc phục, hiện tất cả các trạm cân hoạt động bình thường. “Bộ cân được chỉ định với giá thấp hơn nhiều so với nhập khẩu nước ngoài, phần cứng chúng tôi làm không có lãi. Với câu hỏi của Bộ trưởng có tham nhũng, tiêu cực không thì giá thành hiện tại chúng tôi đang lỗ, không có chi phí để thực hiện các việc khác”, ông Bình nói.
Theo yêu cầu của Bộ GTVT, trong giai đoạn 1, Công ty TNHH MTV Hanel đã được chỉ định thầu thí điểm 10 bộ cân lưu động. Tổng giá trị mỗi bộ cân bao gồm các thiết bị bổ sung và máy phát điện dự phòng là 2,24 tỉ đồng (bộ cân hơn 936 triệu, ô tô là 1,3 tỉ đồng). Giai đoạn 2, Hanel tiếp tục được chỉ định thầu thực hiện 57 bộ cân, tổng giá trị 1,99 tỉ đồng/bộ cân (bộ cân là 684 triệu đồng, ô tô là 1,3 tỉ đồng). Hệ thống trung tâm bao gồm máy chủ và phần mềm quản lý đặt tại Tổng cục Đường bộ cũng được chỉ định thầu. Lý giải việc chỉ định thầu cho Hanel được cấp trạm cân điện tử cho cả nước, Tổng cục Đường bộ cho rằng, để đáp ứng tiến độ hoàn thành trong tháng 7.2013 theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT, tổng cục đã báo cáo Bộ GTVT cho phép áp dụng theo hình thức chỉ đạo thầu và được Bộ GTVT chấp thuận. Tổng giá trị gói thầu riêng với 67 bộ cân là 48,5 tỉ đồng, trong đó, 10 bộ cân thí điểm giảm giá 5% so với dự toán được duyệt, 57 bộ cân sau giảm giá 30% so với 10 bộ cân thí điểm.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhìn nhận tình trạng xe quá tải là do cơ quan nhà nước trước đây buông lỏng quản lý, trong đó có việc cho phép hoán cải xe (thay đổi kết cấu, tải trọng xe so với thiết kế ban đầu - NV). Ông cho biết sắp tới Bộ sẽ trình Chính phủ chấm dứt không cho phép hoán cải xe và có lộ trình xóa với những phương tiện đã hoán cải. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng sẽ có chuyên đề riêng chống tiêu cực trong thanh tra, đăng kiểm. “Nếu Cục năm nay không quyết tâm đổi mới, chống tiêu cực thì toàn bộ lãnh đạo Cục đi làm việc khác. Anh Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm đã cam kết. Sắp tới Bộ sẽ trình Chính phủ cấm toàn bộ xe hoán cải và có lộ trình xử lý những xe đã hoán cải”, ông Thăng nói.
Trước phản ánh của báo chí về tình trạng nhiều đoàn “xe vua” quá tải vẫn ngang nhiên qua trạm cân mà không bị xử lý, trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, cho rằng giám đốc công an tỉnh phải chịu trách nhiệm.
Mai Hà
>> Né trạm cân, xe tải nối đuôi trên quốc lộ
>> Đoàn xe tải không chịu vào trạm cân xe
>> Xã hội hóa đầu tư trạm cân xe
Bình luận (0)