Không ai bảo vệ được quyền lợi SV
Tại hội thảo, đông đảo các đại biểu Quốc hội, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục, đại diện các trường ĐH đã đặt ra nhiều vấn đề về giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay. Từ số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 8.2009 cả nước có 226 trường CĐ, 150 trường ĐH và 71 viện nghiên cứu có đào tạo sau ĐH... PGS-TS Phạm Phụ - trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng: “Vấn đề số lượng trường ĐH không quan trọng, mà quan trọng là tốc độ tăng trưởng số lượng SV. Tuy nhiên, cái sai nằm ở chỗ là những trường chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cho thành lập, điều này rất tội cho SV khi không ai bảo vệ được quyền lợi của các em”.
Cần xem trường ĐH là chủ doanh nghiệp và khách hàng chính là người học. Việc đánh giá chất lượng và xếp hạng các trường nhằm mục tiêu là để khách hàng biết được trường nào “kinh doanh” tốt.
|
|
Tiến sĩ Cao Đắc Hiển |
Còn GS-TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập cũng nêu ý kiến, việc đưa ra mục tiêu tăng số lượng các trường ĐH-CĐ trong thời gian trước mắt cần phải có chiến lược cụ thể rõ ràng mới có thể đạt được. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là tăng về số lượng, chưa nói lên được vấn đề chất lượng.
Bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) giải đáp: “Để đảm bảo chất lượng các trường ĐH-CĐ, việc các trường đánh giá trong là bắt buộc, nhưng Bộ cũng sẽ hỗ trợ kinh phí để các trường đánh giá ngoài. Thời gian tới việc mở ngành của các trường không chỉ trên hồ sơ mà trên thực tế cũng phải bắt buộc. Khi xây dựng hồ sơ mở ngành các trường phải đưa thông tin hồ sơ lên trang web của trường để xã hội cùng với Bộ kiểm tra giám sát và thẩm định”.
Cần có tổ chức kiểm định chất lượng độc lập
Chương trình học bậc phổ thông vẫn còn quá nặng |
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc kiểm định chất lượng giáo dục của các trường ĐH hiện nay. PGS-TS Nguyễn Phương Nga - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, chúng ta chưa có một tổ chức kiểm định chất lượng độc lập để triển khai đánh giá chất lượng các trường ĐH. Đội ngũ những người thực hiện công tác đánh giá chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng. Thêm vào đó, quá trình công nhận kết quả đánh giá chất lượng bị kéo dài. Trong quy định cũng không nêu ra vấn đề, các trường đạt tiêu chuẩn có khác gì với những trường chưa được đánh giá hoặc đánh giá nhưng không đạt yêu cầu. Tiến sĩ Nga kết luận: “Việc kiểm định chất lượng sẽ không tạo ra được tác động để các trường nâng cao chất lượng nếu kết quả thế nào các trường vẫn nhận được kinh phí từ ngân sách Nhà nước (nếu là trường công lập), chỉ tiêu tuyển sinh không thay đổi, các nhà quản lý của trường cũng không ai được thưởng hay bị phạt gì”. Tiến sĩ Nga kiến nghị, việc kiểm định chất lượng nên do một tổ chức kiểm định chất lượng độc lập có tư cách pháp nhân và có chuyên môn sâu và kết quả đánh giá cần được công khai kịp thời.
Liên quan tới vấn đề này, TS Cao Đắc Hiển - trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nêu: “Việc đánh giá chất lượng các trường ĐH cần phải xuất phát từ chỗ trường ĐH ra đời từ ai và phục vụ ai chứ không nên áp đặt. Cần xem trường ĐH là chủ doanh nghiệp và khách hàng chính là người học. Việc đánh giá chất lượng và xếp hạng các trường nhằm mục tiêu là để khách hàng biết được trường nào “kinh doanh” tốt. Phải xác định người học là trung tâm số một trong giáo dục. Do vậy, Bộ không nên là người đứng ra đánh giá, nếu có chỉ nên vì mục đích kiểm soát xem mình đã quản lý đúng hay chưa. Phải để tự người học đánh giá thì mới khách quan”.
Hà Ánh
Bình luận (0)