Cảng biển Việt Nam 'thiệt đơn, thiệt kép'

10/10/2023 12:00 GMT+7

Trong một góp ý dự thảo thông tư thay thế Thông tư 54/2018 gửi Bộ GT-VT, Bộ Tài chính và VCCI, Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải VN (VISABA) đề xuất sớm điều chỉnh phí bốc dỡ container tại cảng biển để Việt Nam không bị "thiệt đơn, thiệt kép" trên sân chơi thương mại toàn cầu.

Chậm sửa đổi, thất thu 200 triệu USD tiền thuế mỗi năm

Bộ GT-VT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 54/2018 về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ tàu lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, hiệp hội… đồng loạt có kiến nghị về biểu khung giá mới nên cập nhật, theo kịp giá phí các cảng tương đương trong khu vực và thế giới, tránh thất thu hàng tỉ USD mỗi năm.

Cụ thể, theo kiến nghị của VISABA, hiện các cảng tại khu vực miền Bắc tính phí bốc dỡ là 33 USD/container 20' (teu), cảng khu vực miền Nam 41 USD/teu, riêng cảng nước sâu Cái Mép và Lạch Huyện là 52 USD/teu. Trong khi các hãng tàu nước ngoài lại thu phí THC (phí điều hành bến bãi) từ các chủ hàng VN khoảng 117 USD/teu và theo tập quán của các nước thì 80% phí THC dùng để trả cho phí bốc dỡ tại cảng, tương đương hơn 90 USD. Như vậy, các hãng tàu nước ngoài đang trả cho cảng VN chỉ khoảng 30 - 40% tổng phí THC mà họ đã thu từ doanh nghiệp xuất nhập khẩu VN. Với 25 triệu container thông qua cảng, trung bình mỗi container VN thất thu 40 USD, một năm mất khoảng 1 tỉ USD. Theo đó, thất thu tiền thuế mỗi năm là khoảng 200 triệu USD.

Cảng biển Việt Nam 'thiệt đơn, thiệt kép' - Ảnh 1.

Siêu tàu container lớn nhất thế giới OOCL Spain cập Cảng Gemalink tháng 3.2023

T.H

Đặc biệt, với khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, VISABA đề xuất cần điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container giữa tàu - bãi cảng bằng ít nhất 70 - 80% giá sàn bình quân của khu vực; giá dịch vụ bốc dỡ container từ sà lan - bãi cảng bằng ít nhất 30% giá dịch vụ bốc dỡ container giữa tàu - bãi cảng. Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh cảng biển phía nam nhấn mạnh: "Trong thực tế gói cước nói chung của các hãng tàu nước ngoài chào cho chủ hàng ở VN hay bất kỳ nước nào trong khu vực không có sự chênh lệch về giá mà phụ thuộc vào cung cầu của thị trường. Trong khi đó, giá phí bốc dỡ container theo quy định tại Thông tư 54/2018 của VN đưa ra lại thấp hơn nhiều so mức trung bình khu vực và thế giới". Trong khi tập quán của phần lớn doanh nghiệp xuất nhập khẩu VN là mua theo giá CIF (giá tính đến bãi cảng nhập khẩu), bán theo giá FOB (giá tính đến bãi cảng xuất khẩu), hàng hóa chỉ được giao và nhận tại cảng VN, các phần bên ngoài VN sẽ do phía nước ngoài đảm nhiệm. Nên "việc điều chỉnh giá bốc xếp này không ảnh hưởng tới chủ hàng VN!".

Ngoài kiến nghị về phí bốc dỡ container, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa cũng phản hồi "gói" THC và phụ phí các hãng tàu nước ngoài đang thu khách hàng tại VN có nhiều khoản rất vô lý. Chẳng hạn, mỗi container thu phí điện giao hàng 600.000 đồng, phí chứng từ 800.000 đồng… Hay các depot (bãi chứa container rỗng) cũng rất bức xúc khi các hãng tàu nước ngoài đã và đang yêu cầu các depot chiết khấu rất mạnh, đến 50 - 60% giá nâng hạ, trong khi phí này không liên quan đến các hãng tàu.

Rất nhiều bất cập trong thu phí và phụ phí cần xem xét

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nhữ Đình Thiện - Phó Tổng thư ký VISABA - nhận xét khai thác lợi thế cảng nước sâu của VN vẫn còn khá hạn chế. Chính sách của chúng ta đôi khi lại đang lấy đá "ghè chân mình". Một mặt cho các hãng tàu "tự tung tự tác thu nhiều loại phí của doanh nghiệp, mặt khác VN thu lại từ hãng tàu lại vô cùng khiêm tốn. Ông bức xúc: "Mỗi năm chúng ta mất hàng tỉ USD vào túi các hãng tàu nước ngoài. Họ đang hưởng lợi rất lớn từ phần chênh lệch mà đáng lẽ phải trả cho cảng biển VN. Vấn đề này rất nhiều hiệp hội phản ánh. Thậm chí khung giá bốc dỡ tại cảng biển VN hiện tại thấp hơn cả cảng sông ở Campuchia và chưa tới ½ giá thu tại các cảng biển Singapore, Philipines… Giá tối thiểu tại các cảng nước sâu như Lạch Huyện và Cái Mép chỉ 52 USD/container. Mức này quy định từ năm 2018, đã 5 năm vẫn chưa được điều chỉnh, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế".

Cảng biển Việt Nam 'thiệt đơn, thiệt kép' - Ảnh 2.

Tháng 3 vừa qua, các hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị Bộ GT-VT, Bộ Tài chính sớm điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container khu vực cảng biển khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện) lên 10% mỗi năm, cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện tăng ít nhất 20% từ khung giá của Thông tư 54. Một doanh nghiệp kinh doanh cảng biển phía nam bổ sung: "Điều quan trọng là chúng ta cần giải pháp quản lý chặt các hãng tàu, không để các hãng tàu tăng thu cước vận chuyển từ bãi bên gửi đến bãi bên nhận hàng (CY-CY) của doanh nghiệp xuất nhập khẩu VN, chứ không phải kiềm hãm điều chỉnh giá bốc dỡ của các cảng trong nước. Hiện so sánh với các quốc gia trong khu vực, giá bốc dỡ tại cảng của chúng ta đang là thấp nhất nhưng phí THC các hãng tàu nước ngoài đang thu chủ hàng xuất nhập khẩu VN lại đang rất cao".

Ông Thiện nhấn mạnh: "Cụm cảng nước sâu là tài nguyên hữu hạn của quốc gia. Chúng ta cần chủ động giành quyền quản lý, điều chỉnh các chính sách cho phù hợp tránh thất thu ngân sách. Điều chỉnh giá bốc xếp container hoàn toàn không ảnh hưởng đến chủ hàng VN, nhưng mặt tích cực của nó là nâng cao hiệu quả, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư vào dự án các cảng nước sâu tiềm năng khác của đất nước trong tương lai. Cụm cảng Cái Mép là cụm cảng nước sâu lớn nhất VN và là một trong 19 cảng trên thế giới tiếp nhận được siêu tàu 24.000 teus".

Trước đó, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội chủ tàu Việt Nam và VISABA có báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT và các bộ ngành về bất cập thất thoát phí bốc dỡ container. Các hiệp hội nhấn mạnh: Bộ GTVT điều chỉnh Thông tư 54/2018 cần đi sát thực tế, tránh thất thu ngân sách cũng như tạo điều kiện phát triển hệ thống cảng biển VN phát triển xanh, bền vững và hiệu quả.

VISABA đề xuất:

Đối với giá dịch vụ bốc dỡ container của khu vực cảng nước sâu Việt Nam:

- Điều chỉnh giá bốc dỡ container giữa tàu - bãi cảng bằng ít nhất 70% giá sàn bình quân của khu vực, tương đương khoảng 70 USD/teu; giá bốc dỡ container giữa sà lan - bãi cảng bằng ít nhất 30% giá dịch vụ bốc dỡ container giữa tàu - bãi cảng.

- Hiệu lực điều chỉnh: Trong thời gian sớm nhất, sau đó mỗi năm sẽ có lộ trình điều chỉnh khung giá thêm 10 - 15% nhằm đưa giá bốc dỡ cảng biển nước sâu Việt Nam nhanh chóng tiệm cận với mức giá bình quân của khu vực.

Đối với giá dịch vụ bốc dỡ từ tàu xuống sà lan/ô tô/toa xe (shipside):

- Chỉ nên sử dụng 1 khung giá dịch vụ từ tàu - bãi cảng, chấm dứt hình thức bốc dỡ shipside (giao thẳng container ở mạn tàu) bởi trước đây khi cảng Hải Phòng thiếu kho bãi, phải đưa hàng tạm tập kết ở bãi ngoài, khi tàu cập thì đưa xe ra cầu tàu xếp hàng. Hiện nay, phương thức này không còn phù hợp vì các quy định của hải quan, cảng vụ và hãng tàu.

- Sớm sửa đổi ban hành thể lệ bốc dỡ, giao nhận và bảo quản hàng hóa tại cảng biển VN để tăng cường xử lý nhanh hàng hóa tồn đọng tại các cảng, đơn giản hóa thủ tục hải quan, khẩn trương triển khai cơ chế cảng mở…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.