Không có đường vào, hoạt động phục vụ thi công Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đều bằng đường thủy - ảnh: Mai Vọng |
Điện, nước cũng không
Dự án Cảng Sài Gòn (CSG) - Hiệp Phước nằm trên sông Soài Rạp có tổng diện tích mặt bằng khoảng 100 ha, chiều dài bến khoảng 1.800m, năng lực thông quan khoảng 18 triệu tấn hàng/năm, tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn. Đây là một cảng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ yêu cầu di dời CSG trong nội thành và là cửa ngõ thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đến nay, CSG đã đầu tư hơn 800 tỉ đồng để xây dựng khu cảng mới. TGĐ CSG Lê Công Minh cho biết 200m cầu cảng đầu tiên của CSG - Hiệp Phước hiện đã hoàn thành và 400m cầu cảng tiếp theo nay đã xong hơn 60%. Các thiết bị phục vụ khai thác đang được lắp đặt; hệ thống kho bãi cũng đang được xây dựng. Do chưa có đường vào nên hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc cũng chưa có luôn. Vì vậy, khả năng CSG - Hiệp Phước chỉ có thể khai thác, vận chuyển hàng hóa bằng sà lan đi đường thủy khi đi vào hoạt động vào quý 3/2011.
Từ khi khởi công dự án vào tháng 5.2009 cho đến nay, CSG đã nhiều lần kiến nghị T.Ư và TP.HCM có biện pháp tháo gỡ khó khăn để sớm xây dựng tuyến đường D3 (đường vào cảng) nhưng vẫn chưa có kết quả. "Cảng sắp đưa vào hoạt động mà không có đường ra, đường vào, không đồng bộ", ông Minh bức xúc.
Còn nhớ, ngày khởi công CSG - Hiệp Phước (16.5.2009), do không có đường vào nên buổi lễ được tổ chức trên chiếc tàu du lịch. Từ đó đến nay, việc vận chuyển phục vụ thi công đều bằng đường thủy.
Vì sao?
Cảng sắp đưa vào hoạt động mà không có đường ra, đường vào. |
||
Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn Lê Công Minh |
||
Quyết định số 791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12.8.2005 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu có nói rõ chính sách đối với các doanh nghiệp cảng thuộc diện di dời. Cụ thể là vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài cảng (tại vị trí di dời đến) bao gồm hệ thống đường ngoài cảng; hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc (đến chân hàng rào ngoài cảng) sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm. Do vậy, khi tiến hành thi công cảng, CSG đã đề nghị UBND TP.HCM tiến hành song song việc thi công xây dựng đường vào cảng.
Phương án trước đây của UBND TP.HCM theo đề nghị của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP là giao cho IPC huy động vốn để làm đường và sẽ kiến nghị Bộ Tài chính ứng vốn cho mượn hoặc cho phép sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để hoàn trả lại vốn đầu tư. Khi việc chuyển đổi công năng mặt bằng nằm trong khu vực trung tâm TP của các cảng biển phải di dời hoàn tất, một phần thu được sẽ được dùng để trả lại cho Bộ Tài chính.
Sốt ruột muốn sớm có đường vào cảng, mới đây CSG đã kiến nghị với UBND TP và Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son xin được ứng vốn đầu tư xây dựng 2 chiếc cầu là Rạch Rộp 2 và Mương Lớn 2 trên đoạn đường D3 (ước tính là 175 tỉ đồng), còn IPC sẽ tập trung vốn cho đền bù giải phóng mặt bằng và làm đường D3.
Hiện tại, mặt bằng khu vực thi công 2 chiếc cầu đã giải tỏa xong, trong khi mặt bằng xây dựng đường D3 chỉ mới đền bù 31 trong tổng số 86 thửa đất trong khu vực, xấp xỉ 40% tổng diện tích. "Thiết kế cầu đã có sẵn, mặt bằng cũng có sẵn, nếu bây giờ thi công thì mất khoảng 1 năm trở lại là xong. Còn phần đường, nếu không làm xong đồng bộ cùng với cầu thì sẽ rất bị động" - một đại diện của CSG cho biết.
Mai Vọng - Đình Mười
Bình luận (0)