'Căng' lại đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh

14/07/2016 08:00 GMT+7

Sau 22 năm đưa vào vận hành, đường dây truyền tải 500kV Bắc Nam từ Nho Quan - Hà Tĩnh, đoạn qua Thanh Hóa vừa được Tổng công ty Truyền tải đại tu lại.

Cuối tuần trước, để chuẩn bị cho kế hoạch đại tu nhánh 1 đường dây 500kV tuyến Nho Quan - Hà Tĩnh , ông Nguyễn Văn Giang, Phó giám đốc Truyền tải điện Thanh Hóa đã dẫn chúng tôi đi thực địa nhiều đoạn dây đã võng xuống.
Ví dụ tại khoảng néo 282 - 292 chạy song song với đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Như Xuân, ông Giang kể, đây là một phần của nhánh 1 đường dây truyền tải 500kV Bắc - Nam, được xây dựng từ năm 1992 và đưa vào sử dụng 2 năm sau đó.
"Đến nay, đã qua 22 năm, từ độ cao ban đầu cách mặt đất hơn 11m thì nay nhiều đoạn chỉ còn khoảng 9m nên phải tiến hành "căng" lại nhằm đảm bảo an toàn", ông nói.
Vị phó giám đốc giải thích rằng, nói "căng lại" là diễn nôm na cho dễ hiểu, còn thực chất phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm rút dây, nâng độ võng, nâng khoảng cách pha đất nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành. Quan trọng hơn, là để đảm bảo an toàn cho nhân dân địa phương, tránh tình trạng bà con nông dân đi làm nương làm rẫy và các phương tiện qua lại có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Công việc được mô tả khá đơn giản là vậy, song theo đại diện Công ty truyền tải điện 1, để được sự chấp thuận về cắt điện, từ gần nửa năm trước, Truyền tải Thanh Hóa đã phải lên phương án, xây dựng biện pháp thi công, kế hoạch cắt điện để công ty báo cáo lên Tổng công ty Truền tải điện Quốc gia và xin phép Trung tâm điều độ điện Quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực VN (EVN).
"Việc cắt điện đường dây 500kV tức là cắt điện đường truyền tải xương sống nên mọi việc phải được chuẩn bị kỹ để không gây mất điện, thiếu điện, nhất là từ miền Trung trở vào Nam do đang hạn hán", ông Lê Viết Hoan, đại diện Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lý giải.
Trên thực tế, theo lịch cắt điện được duyệt, lưới sẽ được bàn giao cho bên truyền tải thi công từ lúc 5 giờ sáng ngày 9.7, nhưng phải hơn 4 tiếng sau đó lưới mới được giao. "Việc nhận lưới được tiến hành muộn hơn kế hoạch là bình thường vì cắt điện đối với đường dây 220 kV thì thủ tục, thao tác xin lệnh và ra lệnh không khó khăn nhưng đối với 500 kV, mạch máu chính của quốc gia nên thao tác lệnh tương đối ngặt nghèo", ông Giang giải thích.
Ngoài ra, đại diện Truyền tải Thanh Hóa cho biết thêm, tuy một nhánh của đường dây 500kV bị cắt song không gây mất điện trên hệ thống vì đã được điều hòa, san tải hợp lý. "Tất nhiên, nếu để một nhánh tải liên tục trong nhiều ngày với công suất lớn hơn bình thường thì gây căng thẳng, giống như mọi ngày nông dân gánh 50kg, giờ bắt gánh lên 70 - 80kg mà trong một thời gian dài thì sẽ quá sức", ông Giang ví von cho dễ hiểu.
Cho nên, thông thường, để đại tu (sửa chữa lớn) một nhánh thì phải cắt điện trên nhánh này 3 - 4 ngày. Tuy nhiên, trong đợt sửa chữa lớn cuối tuần trước, chỉ sau hai ngày cắt điện, đến cuối ngày 10.7, đường dây 500kV nhánh trái đã hoạt động bình thường trở lại.
"Chúng tôi phải huy động đến 50 công nhân cùng máy móc làm việc từ sáng đến gần 21 giờ. Do 3 ngày qua miền tây Thanh Hóa nóng 40 độ nên công nhân thay nhau xuống chân cột điện ăn cơm chứ chuyện mang cơm lên ăn trên cột ở độ cao hơn 30m là điều bình thường", ông Giang chia sẻ thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.