Càng rút càng dài

Vũ Hân
Vũ Hân
22/05/2018 04:50 GMT+7

Năm 2015, Quốc hội ra nghị quyết “nới” trần bội chi 2013 lên mức 6,6%, vì dù đã nới lần 1 từ 4,8% lên 5,3%, bội chi vẫn vượt trần và phải nới lần 2.

Năm 2017, Quốc hội phải ra nghị quyết nới trần nợ Chính phủ, thông qua bội chi 2015 cao hơn 0,57% so với dự toán. Năm nay, Quốc hội (QH) có khả năng sẽ phải nới trần giải ngân ODA trong kế hoạch trung hạn.
Năm nào báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách cũng dài dằng dặc nhiều trang liên quan đến sai phạm thu ngân sách chỗ nọ, chi ngân sách chỗ kia, những sai phạm na ná nhau, kèm theo kiến nghị xử lý “kiên quyết”.
Không chỉ các địa phương sai phạm, các bộ ngành T.Ư, nơi chủ trì soạn thảo các kế hoạch và các luật, như Bộ KH-ĐT với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và luật Đầu tư công, cũng vi phạm những nguyên tắc do mình tham mưu đề ra.
Trước khi thông qua các nghị quyết điều chỉnh, không lãnh đạo QH thì đại biểu QH cũng cảnh báo sẽ chỉ thông qua nốt lần này, nhưng kiểm toán quyết toán ngân sách năm nay vẫn tiếp tục dài dằng dặc kiến nghị, cũng như lại xuất hiện chỉ tiêu phải nới.
Năm 2017, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của đại biểu, sớm tổng hợp để báo cáo cụ thể với QH tại kỳ họp thứ 5 này về “danh sách, mức độ xử lý sai phạm đối với từng tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước 2 năm 2014 - 2015”.
Phúc đáp yêu cầu này, Chính phủ báo cáo đã xử lý 545 tổ chức, 1.016 cá nhân sai phạm năm 2014 và 631 tổ chức, 1.061 cá nhân vi phạm năm 2015.
Sự chuyển biến đã rõ, tuy nhiên báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vẫn chỉ ra rằng trong năm 2017, vẫn còn một số kiến nghị xử lý về tài chính chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc “chưa có chế tài để xử lý đối với những đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc kiến nghị”.
Đã nghiêm khắc hơn, nhưng vẫn là chưa đủ. Các thiết chế giám sát đại diện cho quyền lực của nhân dân chỉ thực sự có quyền lực khi có ràng buộc về chính trị và pháp lý với những người vi phạm, tức là khi “hình phạt” được thực thi, chứ không phải các yêu cầu chỉ mang tính chất tham khảo.
Không thể mãi duy trì việc ra chỉ tiêu để vi phạm rồi QH lại ra nghị quyết để cho qua các vi phạm đó. Nếu thế, e rằng sợi dây kinh nghiệm của các bộ, ngành, địa phương “càng rút càng dài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.