Càng sửa càng sai

29/12/2021 04:22 GMT+7

Cũng lặng lẽ giống cách gỡ bỏ thông tin kit Việt Á được WHO công nhận, Bộ Khoa học - Công nghệ đăng tải trên cổng thông tin của Bộ bản tin Đính chính thông tin “Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của VN sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận”.

Mở đầu bản tin viết: Trong khoảng thời gian từ ngày 25 - 26.4.2020, một số cơ quan báo chí chính thống đã đăng tải bộ kit xét nghiệm Covid-19 của VN sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận. Trên cơ sở tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống, vào lúc 15 giờ 36 ngày 26.4.2020, bản tin “Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của VN sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận” đã được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ Khoa học - Công nghệ (www.most.gov.vn) và bản tin này đã được gửi tới một số phóng viên theo dõi lĩnh vực khoa học - công nghệ tham khảo như thông lệ khi ngành khoa học - công nghệ có sự kiện hoặc thành tựu nổi bật. Sau khi phát hiện có sai sót, để có thời gian xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình, bản tin đã được tạm gỡ trên Cổng thông tin của Bộ Khoa học - Công nghệ.

Sai thì phải đính chính, xin lỗi, điều đó rất sòng phẳng, nhưng điều không sòng phẳng ở đây là Bộ Khoa học - Công nghệ sửa sai bằng một thông tin sai khác.

Thứ nhất, lục lại email mà Bộ gửi cho các phóng viên theo dõi lĩnh vực khoa học - công nghệ của các báo tại thời điểm tháng 4.2020 công bố thông tin “Kit xét nghiệm Việt Á được WHO chấp thuận” thì thấy được viết dưới dạng thông cáo báo chí (thông báo chính thức cho truyền thông về một sự kiện, sự việc), hoàn toàn không có lưu ý nào về tính “tham khảo”.

Thứ hai, Bộ nại rằng thông tin đó là dựa “trên cơ sở tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống” lại càng sai. Bộ là một cơ quan quyền lực công, cổng thông tin điện tử của Bộ không phải là trang tin điện tử hoặc một tờ báo thông thường mà đó là nơi cung cấp thông tin chính thức và các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Khác với một tờ báo có thể bị đưa thông tin sai do nguồn tin sai, thiếu kiểm chứng, cổng thông tin của cơ quan quản lý nhà nước thì không được phép có lỗi sai đó, nhất là đối với một nội dung công việc do mình chủ trì (Bộ Khoa học - Công nghệ dùng ngân sách nhà nước để cấp cho nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia liên quan đến kit xét nghiệm của Việt Á).

Trao đổi với báo chí hôm qua, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ nói đúng, rằng hiện WHO mới công nhận cho 28 loại kit test để xét nghiệm SARS-CoV-2, nhưng ở châu Âu có gần 600 loại đang được các nước cho phép lưu hành sử dụng, riêng Mỹ có hơn 200 loại đang được lưu hành sử dụng. Do vậy, bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á không được WHO công nhận không phải là chuyện lớn, nhưng không được WHO công nhận mà Bộ Khoa học - Công nghệ công bố là “Hồ sơ được WHO công nhận” thì là chuyện lớn.

Tìm bằng chứng về việc “đi đêm”, ăn chia kinh tế giữa quan chức tha hóa với Việt Á trong vụ “thổi giá” kit xét nghiệm là việc thực sự khó, nhưng điều tra về hành vi sử dụng quyền lực, uy tín của cơ quan công quyền, tiếp tay cho Việt Á “thổi giá” trục lợi là việc thực sự cần thiết, hòng trả lại sự liêm chính của quyền lực công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.