Căng thẳng bảo vệ ứng cử viên tổng thống Mỹ

07/11/2016 13:00 GMT+7

Việc bảo vệ các ứng viên tổng thống Mỹ đang “nóng” lên sau khi ông Trump được mật vụ kéo chạy khỏi sân khấu tại cuộc vận động tranh cử mới đây.

Tối 5.11, khi ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang vận động tranh cử ở thành phố Reno (bang Nevada) thì có người trong đám đông hô to “súng” và 2 nhân viên mật vụ nhanh chóng kéo ông ra phía sau sân khấu. Cùng lúc đó, nhiều cảnh sát khống chế một người đàn ông.
Cơ quan Mật vụ Mỹ sau đó cho hay không phát hiện bất kỳ loại vũ khí gì sau khi lục soát đối tượng và khu vực xung quanh. Ông Trump trở lại sân khấu vài phút sau, tiếp tục bài phát biểu và gửi lời cảm ơn các mật vụ Mỹ, lực lượng cảnh sát thành phố Reno và bang Nevada vì “phản ứng rất nhanh và chuyên nghiệp”.
Nghi can trong vụ việc là Austyn Crites, 33 tuổi, đã được thả sau vài giờ thẩm vấn. Ông cho biết mình phản đối ông Trump dù cũng là thành viên đảng Cộng hòa. Crites cho biết sau khi giơ tấm bảng “những người đảng Cộng hòa phản đối ông Trump”, ông bị đám đông tấn công và bóp cổ trước khi ai đó hét lên “súng” khiến mật vụ và cảnh sát lập tức phản ứng.
Vụ việc xảy ra giữa lúc ông Trump và đối thủ Hillary Clinton đang nỗ lực đưa ra những luận điểm cuối cùng nhằm thuyết phục những cử tri vẫn chưa quyết định chọn ai. Trước đó, ngày 18.6, một thanh niên 19 tuổi người Anh là Michael Steven Sandford đã bị bắt khi cố giật súng của cảnh sát nhằm bắn ông Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Las Vegas cũng thuộc bang Nevada. Âm mưu thất bại và Sandford đang bị truy tố với mức án lên đến 20 năm tù.
Bảo vệ ông Trump, bà Clinton
Hiện tại, mật vụ Mỹ đang ráo riết bảo vệ các ứng viên quan trọng. Những chính khách này đang được bảo vệ an toàn tối đa, nhất là tại các sự kiện diễn ra nơi công cộng. Các biện pháp bao gồm đảm bảo an ninh tại địa điểm trước giờ diễn ra sự kiện và dùng cảnh khuyển đánh hơi chất nổ, đặt các thiết bị kiểm tra kim loại đối với những người tham dự. Bên cạnh đó, mô tô cảnh sát bảo vệ hành trình cùng các cận vệ luôn kè sát các ứng viên.
Phóng viên Anthony Zurcher của BBC cho biết có lần ông đứng ở sảnh một khách sạn ở New Hampshire nơi ông Trump ở và thấy các mật vụ có mặt hầu như khắp nơi. “Nếu ông ấy có mặt trong phòng thì luôn có người chặn tôi để kiểm tra trước khi muốn bước vào thang máy”, ông cho biết. “Mật vụ cũng kiểm tra các thông tin đe dọa và một người chỉ cần viết thư hay đưa lên mạng xã hội rằng họ sẽ giết tổng thống thì “những người mặc đồ màu đen” sẽ gõ cửa nhà bạn ngay lập tức,” ông nói.
Ông Trump hiện có một lực lượng bảo vệ tư nhân với số lượng lớn bên cạnh việc bảo vệ của các mật vụ. Một số người phe chống đối từng nói rằng họ bị đội ngũ an ninh của ông Trump đánh ở New York hồi tháng 9. Về phía bà Clinton thì ngoài mật vụ, bà cũng nhờ đến một số sở cảnh sát địa phương và công ty bảo vệ để đảm bảo an ninh trong các sự kiện tranh cử.
Cảnh sát canh gác phía sau sân khấu nơi ông Trump vận động tranh cử tại thành phố Reno ngày 5.11 Reuters
Các “ứng viên lớn”
Việc mật vụ bảo vệ ứng viên tổng thống bắt đầu từ năm 1968 sau vụ ám sát ứng viên Robert Kennedy vào năm 1968. Theo Cơ quan Mật vụ Mỹ, luật pháp quy định họ phải bảo vệ tổng thống, phó tổng thống và gia đình cũng như các ứng viên tổng thống và phó tổng thống. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ bảo vệ ứng viên quan trọng và Bộ An ninh nội địa sẽ quyết định ứng viên nào được xem là “ứng viên lớn” dựa trên thảo luận với ủy ban cố vấn.
Theo Ủy ban Nghiên cứu quốc hội Mỹ, những ứng viên đủ tiêu chuẩn được mật vụ bảo vệ 4 tháng trước ngày bầu cử cần phải nổi tiếng ở mức độ nhất định, có vận động tranh cử toàn quốc, thuộc đảng có ứng viên đạt ít nhất 10% số phiếu bầu ở lần bầu cử trước và vận động được ít nhất 2 triệu USD cho chiến dịch tranh cử.
Việc bảo vệ này không bắt buộc và các ứng viên có thể từ chối nếu cảm thấy không cần. Trong chiến dịch tranh cử năm 2012, ứng viên Ron Paul của đảng Cộng hòa đã từ chối sự bảo vệ của mật vụ. “Tôi là một công dân bình thường. Tôi nghĩ tôi phải tự trả tiền để bảo vệ mình. Mất 50.000 USD mỗi ngày để bảo vệ những người này, đó là số tiền rất lớn”, ông nói. Ước tính Cơ quan Mật vụ Mỹ chi hơn 113 triệu USD cho công tác bảo vệ các ứng viên trong cuộc tranh cử năm 2012 và 74 triệu USD vào năm 2004.
Âm mưu ám sát các ứng viên tổng thống
Năm 1972, cựu thống đốc bang Alabama, George Wallace, người chủ trương ủng hộ phân biệt chủng tộc, bị bắn tại bang Maryland trong khi đang vận động để trở thành ứng viên tổng thống đảng Dân chủ. Hung thủ Arthur Bremer trong vụ này cũng từng có kế hoạch ám sát Tổng thống Richard Nixon song không thực hiện được do hệ thống an ninh bảo vệ quá chặt chẽ. Dù thoát chết nhưng ông Wallace bị liệt nửa người từ thắt lưng trở xuống và một sĩ quan mật vụ cũng bị thương trong vụ ám sát.
Edward Kennedy, em trai của Tổng thống John Kennedy và thượng nghị sĩ Robert Kennedy - cũng từng là mục tiêu ám sát từ một phụ nữ có vấn đề về thần kinh tên là Suzanne Osgood, người bị lực lượng an ninh bắt giữ bên ngoài một tòa nhà văn phòng cùng với con dao trong tay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.