Căng thẳng dâng cao khi Triều Tiên hạ thủy 'tàu ngầm tấn công hạt nhân'

Văn Khoa
Văn Khoa
09/09/2023 06:48 GMT+7

CHDCND Triều Tiên hạ thủy "tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật", trong khi các bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản có cam kết hợp tác mới nhằm đối phó Bình Nhưỡng.

Hãng thông tấn KCNA hôm qua (8.9) đưa tin CHDCND Triều Tiên đã hạ thủy một "tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật" có khả năng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân dưới nước. Lễ hạ thủy tàu ngầm mới diễn ra vào ngày 6.9, trước lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Triều Tiên, dự kiến diễn ra hôm nay (9.9).

"Tàu ngầm tấn công hạt nhân" mới của Triều Tiên có gì đáng chú ý?

"Phương tiện tấn công dưới nước cốt lõi"

Tàu ngầm trên là chiếc đầu tiên thuộc loại này của Bình Nhưỡng mang số 841 và được đặt tên là "Anh hùng Kim Kun-ok", một nhân vật lịch sử ở Triều Tiên. "Lễ hạ thủy tàu ngầm mở ra một chương mới trong việc củng cố lực lượng hải quân của CHDCND Triều Tiên và làm rõ hơn ý chí kiên định của đảng Lao động Triều Tiên và chính phủ CHDCND Triều Tiên trong việc tăng cường hơn nữa khả năng răn đe hạt nhân", KCNA viết.

Căng thẳng dâng cao khi Triều Tiên hạ thủy 'tàu ngầm tấn công hạt nhân' - Ảnh 1.

Lễ hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật của Triều Tiên

Reuters

Phát biểu tại lễ hạ thủy, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh tàu ngầm mới sẽ thực hiện nhiệm vụ tác chiến với tư cách là "một trong những phương tiện tấn công dưới nước cốt lõi của lực lượng hải quân" Triều Tiên. Ông Kim gọi việc trang bị vũ khí hạt nhân cho hải quân là "nhiệm vụ cấp bách của thời đại" và chỉ đạo chuyển giao nhanh chóng "các tàu ngầm và tàu nổi được trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật" cho lực lượng này. Ông còn công bố kế hoạch đóng thêm tàu ngầm, trong đó có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, và nhấn mạnh thêm rằng sự phát triển nhanh chóng của lực lượng hải quân là "ưu tiên" cho quốc phòng khi xét đến tình hình hiện nay.

Reuters dẫn lời giới phân tích cho rằng tàu ngầm 841 dường như là một chiếc được cải tiến thuộc lớp tàu ngầm Romeo thời Liên Xô mà Triều Tiên mua lại từ Trung Quốc vào thập niên 1970 và bắt đầu đóng trong nước. Ông Choi Il, thuyền trưởng tàu ngầm Hàn Quốc đã nghỉ hưu, cho rằng con tàu mới có 10 ống phóng thẳng đứng, có khả năng dành cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm (SLCM). Tàu ngầm mới cũng được cho là có khả năng phóng Haeil, thiết bị tấn công dưới nước không người lái mang vũ khí hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên, được nước này công bố vào tháng 3.2022, theo Yonhap.

Triều Tiên hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật mới

Phản ứng của Hàn, Nhật

Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc cho rằng tàu ngầm 841 dường như chưa sẵn sàng hoạt động bình thường và có dấu hiệu Triều Tiên đang cố gắng phóng đại khả năng của mình. Yonhap dẫn lời một quan chức tại Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc khẳng định quân đội nước này lâu nay phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong việc theo dõi việc đóng tàu ngầm của Triều Tiên.

Bộ Thống nhất của Hàn Quốc hôm qua đã lên án việc Bình Nhưỡng hạ thủy tàu ngầm mới, nói rằng nỗ lực chế tạo vũ khí "vô ích" của Triều Tiên sẽ chỉ làm tổn hại cuộc sống của công dân Triều Tiên, theo Yonhap. Nhật Bản cũng đã lên án động thái mới của Triều Tiên.

"Hoạt động quân sự của Triều Tiên đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng và cấp bách hơn đối với an ninh đất nước chúng tôi so với trước đây", Chánh văn phòng Nội các Nhật Hirokazu Matsuno nói trong một cuộc họp báo, theo Reuters.

Mỹ: Triều Tiên sẽ phải "trả giá" nếu cung cấp vũ khí cho Nga

Triều Tiên tuyên bố hạ thủy tàu ngầm mới một ngày sau khi các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng lên án những cuộc thử tên lửa gần đây của Triều Tiên và nhất trí tăng cường hợp tác theo dõi tên lửa. Các bộ trưởng của 3 nước còn đồng ý tổ chức huấn luyện trong thời gian tới như một phần của các biện pháp phòng thủ chống lại "mối đe dọa hạt nhân" của Triều Tiên, theo Reuters dẫn lại tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. 

Hạm đội tàu ngầm lớn của Triều Tiên

Tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Đe dọa hạt nhân (NTI, Mỹ) cho rằng Triều Tiên hiện duy trì một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, với ước tính tổng số tàu ngầm dao động từ khoảng 64 - 86 chiếc. Trong đó có 20 tàu ngầm lớp Romeo, chạy bằng động cơ diesel-điện và bị cho là lỗi thời so với tiêu chuẩn hiện đại. Reuters còn dẫn lời giới phân tích nhận định Triều Tiên có hạm đội tàu ngầm lớn, nhưng chỉ có tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo thử nghiệm 8.24 Yongung (Anh hùng 24 tháng 8) được cho là đã phóng tên lửa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.