Căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng khó hóa giải

09/03/2023 07:00 GMT+7

Việc các lãnh đạo và quan chức cấp cao của Trung Quốc đưa ra những chỉ trích trực tiếp nhằm vào Mỹ báo hiệu căng thẳng trong quan hệ hai nước ngày càng khó hạ nhiệt.

Hôm qua (8.3), Reuters dẫn lời ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, khẳng định nước này chưa có bất cứ thay đổi nào trong quan hệ với Trung Quốc.

Lời qua tiếng lại

Theo đó, ông Kirby nhấn mạnh: "Chúng tôi cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc nhưng không tìm cách xung đột". Ông cũng khẳng định Washington muốn giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh nhưng chỉ muốn diễn biến trong cấp độ như vậy. Bên cạnh đó, phát ngôn viên Kirby còn khẳng định Washington tôn trọng "chính sách một Trung Quốc" và không muốn thấy sự thay đổi hiện trạng liên quan Đài Loan. Ngoài ra, ông Kirby còn kêu gọi Trung Quốc không hỗ trợ quân sự cho Nga trong xung đột ở Ukraine.

Căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng khó hóa giải - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp hồi tháng 11.2022

Reuters

Tuyên bố của ông Kirby được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, trong một cuộc họp báo bên lề kỳ họp của Nhân Đại (quốc hội Trung Quốc) vào ngày 7.3, đã chỉ trích Mỹ gay gắt. Ngoại trưởng Tần cảnh báo nếu Mỹ không thay đổi chính sách "sai lầm" đối với Trung Quốc thì hai bên sẽ "xung đột và đối đầu". Dẫn lại vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc hồi tháng 2, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng cho rằng nhận thức và quan điểm của Washington về Bắc Kinh đang bị "bóp méo nghiêm trọng".

Trung Quốc cảnh báo nguy cơ quan hệ 'trật bánh' nếu Mỹ không 'hãm phanh' thái độ

Hàn Quốc "tăng tốc" tham gia các nhóm chuyên trách Bộ tứ

Hãng tin Yonhap hôm qua dẫn lời một quan chức cấp cao của Hàn Quốc tiết lộ nước này có kế hoạch "chủ động tăng tốc" việc tham gia các nhóm chuyên trách của Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ).

"Dù chúng tôi chưa tham gia Bộ tứ, chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhóm này về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", vị quan chức Hàn Quốc, không muốn tiết lộ danh tính, cho hay trong chuyến thăm Washington ngày 7.3.

Dự kiến, khả năng Hàn Quốc gia nhập Bộ tứ sẽ được thảo luận trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng trong tháng 4, theo tờ The Korea Times.

Văn Khoa

Trước đó 1 ngày, phát biểu tại phiên họp ngày 6.3 của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (hay còn gọi là Chính hiệp), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, đã cố kiềm chế và đàn áp Trung Quốc, dẫn đến những thách thức khó khăn chưa từng có đối với sự phát triển của Trung Quốc, theo tờ China Daily.

Ngày 4.3 vừa qua, Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, đã khai mạc và dự kiến kéo dài đến ngày 11.3. Song song đó, kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (quốc hội Trung Quốc) khóa mới cũng diễn ra từ ngày 5 - 13.3.

Tuy 2 cuộc họp được tổ chức riêng biệt nhưng lại cùng thời điểm nên thường được gọi chung thành sự kiện là cuộc họp "lưỡng hội" của Trung Quốc, thường thu hút nhiều chú ý do sẽ thông qua một số chính sách quan trọng của nước này.

Bất đồng về các vấn đề cơ bản

Trả lời Thanh Niên tối 8.3, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật), cho rằng: "Diễn biến căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng phản ánh ít nhất ba điều".

Nhà Trắng ủng hộ dự luật về an ninh quốc gia

Các thượng nghị sĩ của 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ ngày 7.3 công bố dự luật mới, trao quyền cho Bộ Thương mại xem xét và cấm các sản phẩm điện tử, phần mềm, công nghệ của nước ngoài bị cho là đe dọa an ninh quốc gia, theo CNN. Các nước bị nhắm đến gồm Cuba, Iran, Nga, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Venezuela.

Trong đó, ứng dụng TikTok đến từ Trung Quốc, có hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ, được coi là một trong những mục tiêu tiềm tàng sau khi bị chú ý thời gian qua vì những lo ngại liên quan dữ liệu người dùng. Cuối tháng 2, Nhà Trắng cấm cài đặt TikTok trên các thiết bị của chính quyền liên bang. Trong khi đó, TikTok cho rằng lệnh cấm đối với ứng dụng này cũng giống như "lệnh cấm phổ biến văn hóa và các giá trị của Mỹ" đến với hơn 1 tỉ người sử dụng TikTok toàn cầu.

Vi Trân

Cụ thể, ông Nagy chỉ ra như sau: Thứ nhất, hiện tại đang là giai đoạn quan trọng trong chính trị Trung Quốc khi diễn ra kỳ họp "lưỡng hội", nên các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải kiên định với lập trường dân tộc chủ nghĩa và đảm bảo an ninh, nên cần phải thể hiện sự kiên quyết và chỉ trích Mỹ; Thứ hai, việc Mỹ cùng đồng minh tăng cường quan hệ các đối tác an ninh, phối hợp kiểm soát xuất khẩu công nghệ và cô lập ngoại giao đối với Trung Quốc đang khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng; Thứ ba, Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn kinh tế nên chính sách ngoại giao dân tộc chủ nghĩa có thể giúp nước này ổn định nội bộ.

Thời gian qua, quan hệ Washington - Bắc Kinh liên tục căng thẳng bất chấp việc Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Bali (Indonesia) vào tháng 11.2022. Lẽ ra, hai bên đã có được một cơ hội hạ nhiệt căng thẳng khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến công du Trung Quốc vào đầu tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, sự kiện khinh khí cầu của Trung Quốc xuất hiện ở Mỹ đã khiến cho Washington hủy bỏ chuyến công du của ông Blinken. Khi đó, Washington cáo buộc các khinh khí cầu trên nhằm mục đích do thám nên đã bắn hạ. Ngược lại, Bắc Kinh cho rằng đó chỉ là khinh khí cầu nghiên cứu thời tiết nhưng "đi lạc đường" và chỉ trích việc Mỹ bắn hạ là vi phạm nguyên tắc quốc tế.

Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp chỉ trích Mỹ, phương Tây kiềm tỏa Trung Quốc

Gần đây, Washington cũng liên tục cảnh báo Bắc Kinh không được hỗ trợ quân sự cho Moscow trong cuộc xung đột ở Ukraine, khiến quan hệ hai bên càng trở nên căng thẳng.

Nhận xét khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên mới đây, ông Gregory Poling (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á - AMTI, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS, Mỹ) cho rằng ngay cả khi chuyến công du diễn ra, thì: "Quan hệ Mỹ - Trung về tổng thể thì khó có thể sớm cải thiện do hai bên không đồng thuận về các vấn đề cơ bản. Washington và Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi các chiến lược cạnh tranh về an ninh, công nghệ cao…".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.