Pháp yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn sau khi lực lượng Azerbaijan phát động chiến dịch quân sự ở Nagorno-Karabakh hôm 19.9.
Tranh cãi giữa Armenia và Azerbaijan
Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan cho rằng chính quyền Baku nhiều khả năng sẽ tiếp tục sử dụng vũ lực ở Nagorno-Karabakh trừ phi các thế lực quốc tế tìm cách ngăn chặn, theo AFP hôm 22.9.
Còn người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov cáo buộc chính quyền Yerevan gieo rắc thông tin không đúng sự thật và chính quyền Baku đã triển khai chiến dịch chống khủng bố tại Nagorno-Karabakh.
"Việc Armenia tìm cách lợi dụng Hội đồng Bảo an cho chiến dịch dẫn dắt cộng đồng thế giới theo hướng sai lệch là điều đáng trách", Ngoại trưởng Bayramov chỉ trích.
Phe ly khai Nagorno-Karabakh buông vũ khí, Azerbaijan ngừng tấn công nhờ Nga trung gian
Ông Bayramov cáo buộc Hội đồng Bảo an thiên vị và tố cáo Armenia từ lâu tìm cách châm ngòi cho sự ly khai ở Nagorno-Karabakh, bao gồm hành động ủng hộ quân sự cho lực lượng vũ trang ở đây.
Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Pháp kêu gọi hòa bình cho Nagorno-Karabakh.
Vùng Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, đa số dân ở đây là người Armenia và thành lập chính quyền riêng với sự hậu thuẫn từ chính quyền Yerevan. Azerbaijan giành lại nhiều vùng tại Nagorno-Karabakh và vùng phụ cận sau cuộc chiến năm 2020.
Hòa đàm về Nagorno-Karabakh
Vài giờ trước khi phiên họp ở Hội đồng Bảo an được tiến hành, chính phủ Azerbaijan và lực lượng sắc tộc người Armenia ở Nagorno-Karabakh đã bước vào cuộc hòa đàm một ngày sau khi chiến dịch quân sự của Azerbaijan ở khu vực khép lại với chiến thắng cho chính quyền Baku.
Văn phòng Tổng thống Azerbaijan cho biết cuộc gặp kéo dài 2 giờ ở thị trấn Yevlakh của nước này đã diễn ra trong "không khí xây dựng và hòa bình" dưới sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.
Các bên đồng ý sẽ tiếp tục những cuộc hòa đàm trong thời gian tới.
Đoàn đàm phán của chính quyền Baku trình bày kế hoạch tái hòa nhập người thiểu số Armenia ở Nagorno-Karabakh vào xã hội Azerbaijan và cam kết nhanh chóng cung cấp nhiên liệu, đồ dùng và chăm sóc y tế cho người dân ở đây, theo AFP.
Chưa có thông tin về đề xuất của phía sắc tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh.
Bình luận (0)