Căng thẳng tại phiên tòa giải quyết tranh chấp bản quyền 'Thần đồng đất Việt'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
24/01/2019 15:16 GMT+7

Từng 'cầm cân nảy mực' trong vụ án diễn viên Ngọc Trinh kiện Nhà hát kịch TP.HCM trước đây, sáng 24.1 thẩm phán Nguyễn Quang Huynh lại tiếp tục làm 'sốt' phiên tòa vụ 'Thần đồng đất Việt' với phần nội dung xét hỏi căng thẳng…

Sau những thủ tục cần thiết cho công tác xét xử, chủ tọa Nguyễn Quang Huynh (thẩm phán TAND Q.1. TP.HCM) giải thích thêm quyền và nghĩa vụ của các bên tại phiên tòa sơ thẩm.
Sau khi đại diện công ty Phan Thị là GS.TS Luật Nguyễn Vân Nam (công ty Tư vấn Luật Nam Hùng) về việc có mặt cùa một số nhân chứng theo yêu cầu của nguyên đơn sau khi vụ án đã có quyết định đưa ra xét xử là không đúng luật, ông Huynh cho rằng trong quá trình xét xử, tòa sẽ triệu tập những nhân chứng này để làm rõ các nội dung nếu thấy cần thiết.
Họa sĩ Lê Linh (phải) và nhân chứng
Trước phiên xử, họa sĩ liên tục nhận được điện thoại động viên của người thân
Thẩm phán Nguyễn Quang Huynh xử vụ Ngọc Trinh tiếp tục chủ tọa phiên tòa này
Họa sĩ Lê Linh mở đầu phiên xét xử bằng việc trình bày lý do vì sao khởi kiện công ty Phan Thị ra tòa. Ông nói: “Năm 2001, mặc dù là kiến trúc sư nhưng tôi rất đam mê thể loại truyện tranh nên có ấp ủ một dự án lớn, phải đến Phan Thị tìm hướng hợp tác. Tại đây, sau khi nghe tôi trình bày thì bà Phan Thị Mỹ Hạnh – giám đốc nêu lý do chưa có kinh phí nên gác lại dự án này và đề nghị tôi bắt tay vào thực hiện 1 bộ truyện tranh dân gian tích Trạng và các quan Trạng ngày xưa trước, và tôi rất sẵn lòng. Về nhà, tôi chủ động sáng tạo nhân vật, viết kịch bản và lên kế hoạch sáng tác từ tập 1 đến tập 78, còn bà Hạnh không tham gia vào bất cứ khâu nào. Đến năm 2006, việc bà Hạnh tập hợp nhân viên bắt đầu tập vẽ các nhân vật ở các hình thể khác nhau và còn tự ý ghi tên vào giấy đăng ký quyền tác giả khiến tôi rất bức xúc. Điều này xâm phạm quyền bảo vệ toàn vẹn tác phẩm nên tôi quyết định khởi kiện để yêu cầu chấm dứt tình trạng này”.
Luật sư phía bị đơn là ông Nguyễn Văn Nam trình bày gần 45 phút, tập trung những phản bác những sự đòi hỏi mà ông cho là không có cơ sở của ông Linh vì ông Linh không trực tiếp làm ra tác phẩm, đồng thời đề nghị tòa bác bỏ yêu cầu vô lý này. “Những sáng tạo tinh thần này không mang dấu ấn cá nhân của ông Linh”, ông Nam nói. “Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng như tiêu chuẩn về quyền tác giả, một tác phẩm mà tác giả của nó được hưởng bảo hộ quyền tác giả  phải là sản phẩm sáng tạo tinh thần mang dấu ấn cá nhân của tác giả trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học. Mặt khác ngày 29.3.2002, ông Lê Linh đã tự nguyện ký cam kết thỏa thuận bằng văn bản với bà Mỹ Hạnh, tự xác nhận mình là đồng tác giả của các tác phẩm hình tượng 4 nhân vật: Trạng Tí, Sửu ẹo, Dần béo, cả Mẹo của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt và cũng cam kết ‘chịu trách nhiệm đối với bất cứ tranh chấp nào xảy ra” thì không thể khởi kiện được”, GS.TS Luật Nguyễn Vân Nam trình bày với HĐXX .
Trước khi phần xét hỏi diễn ra, thẩm phán Nguyễn Quang Huynh cũng thông tin thêm đây là vụ án rất được dư luận và báo chí quan tâm. “Lần đầu tiên tòa án TP.HCM đưa ra xét xử vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả duy nhất và công luận cũng rất muốn hiểu thêm qua vụ án này nên mọi người vô cùng chờ đợi.”, ông Huynh nói.
Luật sư Phạm Đại Lợi (thuộc Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh) mở màn phần hỏi đáp của các đương sự bằng việc yêu cầu đại diện Phan Thị liệt kê những đóng góp của nào của bà Hạnh cho việc sáng tạo ra các nhân vật trong truyện nhưng theo luật sư phía bị đơn cho rằng mình không có trách nhiệm phải chứng minh nên không phải trả lời câu hỏi này.
Về phía ông Lê Linh trước sau như một vẫn bao lưu mình là tác giả duy nhất, tên tuổi có ghi cụ thể trên sách nên đề nghị tòa xem xét theo luật định. Trong khi phía nguyên đơn chỉ đặt vài ba câu hỏi trong phần hỏi đáp với bi đơn thì luật sư bị đơn lại  đặt câu hỏi khá gay gắt khiến phiên tòa càng lúc càng nóng.
Luật sư Nam: - Xin ông Linh cho biết chữ ký trên là đơn đăng ký quyền tác giả đề ngày 29.3.2002 là do ông ký ?
Họa sĩ Lê Linh: Vâng, chính tôi.
Luật sư Nam: Chính ông thừa nhận đồng tác giả và cam kết toàn bộ quyền sở hữu thuộc về công ty Phan Thị và chịu trách nhiệm đối với bất cứ tranh chấp nào xảy ra. Bây giờ ông lại đi kiện, vậy cam kết đó ông chịu trách nhiệm như thế nào?
Họa sĩ Lê Linh: Vâng. Vì vậy, tôi mới có mặt tại đây để chịu trách nhiệm chứ. (Ông Lê Linh nhìn thẳng vào luật sư). Nhưng tôi xin nói đó là lời cam kết về những tranh chấp tác giả nếu có xảy ra với người khác chứ không phải công ty Phan Thị.
Ông Linh trình bày thêm: “Do áp lực của công việc nên từ năm 2001, trước ngày phát hành khoảng 1 tuần tôi đã phải sáng tác gối đầu nên quyền tác giả của tôi xác lập từ khi tác phẩm hoàn thành chứ đâu phải chờ tới ngày ký đơn gởi cho Cục bản quyền tác giả mới xác lập như luật sư lập luận. Khi tôi đã công bố 4 tập thì bà Hạnh mới cầm văn bản tới đề nghị tôi ký vào để được công nhận bản quyền “để bên ngoài không ăn cắp và bảo vệ quyền lợi của hai chị em mình”, như chính bà Hạnh nói nên tôi mới ký. Văn bản này do có cả tôi và bà Hạnh ký nên tôi rất an tâm vì chúng tôi thay mặt công ty đồng sở hữu 4 nhân vật chứ không phải đồng tác giả. Bà Hạnh còn động viên “Nhận vật đưa vào khai thác có lợi nhuận hai chị em mình cùng chia, luôn đảm bảo quyền của tôi nên điều này làm tôi rất phấn khích an tâm sáng tác…”, ông Linh kể.
Luật sư Nam hỏi tiếp: Ông Lê Linh có biết quy định nào của Việt Nam cho rằng ai là người ghi tên trên ấn phẩm là tác giả?
Họa sĩ Lê Linh: Tôi không quan tâm, tôi chỉ biết tôi là người có tên trên tác phẩm thì tôi là tác giả, còn ngoài ra tôi không cần biết.
Luật sư Nam: Khi ký giấy xin gởi Cục bản quyền tác giả ông có bị thiểu năng, mất hành vi dân sự không?
Họa sĩ Lê Linh: Không, tôi hoàn toàn bình thường.
Luật sư Nam: Ông sinh ra ở Sài Gòn ?
Họa sĩ Lê Linh: Đúng vậy.
Luật sư Nam: Thế tại sao trong văn bản gởi Cục bản quyền tác giả, ông lại khẳng định: “Trên cơ sở những ký ức tuổi thơ và các mối quan hệ cộng đồng xung quanh, tôi dã xây dựng ra 4 nhân vật Trạng Tí, Sửu ẹo, Dần béo, cả Mẹo…trong khi bối cảnh và ngữ thoại của tập truyện chủ yếu bối cảnh lại ở ngoài Bắc?
Họa sĩ Lê Linh: Ký ức tuổi thơ của tôi có thể là qua sách vở, qua tìm hiểu nhiều kênh khác nhau chứ không nhất thiết là sống ở đâu thì mới có ký ức tuổi thơ ở đó, thưa luật sư.
Luật sư phía bị đơn trao đổi cùng cộng sự tại phiên tòa sơ thẩm
Vụ án kéo dài kỷ lục gần 12 năm cũng được họa sĩ Lê Linh tường thuật tóm tắt trên trang facebook  cá nhân

Luật sư hỏi và... không cần nghe trả lời

Trong phần hỏi đáp, luật sư Nam phía bị đơn nhiều lần bị luật sư phía nguyên đơn có ý kiến phản ứng với HĐXX vì cho rằng thân chủ của họ không được tôn trọng khi bị dùng nhiều lời lẽ xúc phạm và hỏi mà không cần nghe nguyên đơn trả lời.
Luật sư Nam phản ứng: “Tôi không cần nghe vì tôi nhìn vào thái độ của ông Lê Linh là tôi đã biết câu trả lời là gì rồi và quyền không nghe trả lời là quyền của tôi” (?).
Chủ tọa phiên tọa nhắc nhở hai bên phải biết kiềm chế và nếu như luật sư bị đơn không muốn nghe thì cũng để nguyên đơn nói để HĐXX xem xét vụ việc và đây cũng là một nét trong văn hóa pháp đình mà các bên liên quan đều phải tuân thủ.
Tiếp đó, kết thúc phần hỏi đáp giữa các bên, luật sư Phạm Đại Lợi hỏi có phải Phan Thị nộp đơn trực tiếp cho Cục bản quyền tác giả hay qua đơn vị trung gian, ông Nam nói ông không biết.
Họa sĩ Lê Linh trình bày thêm về dây chuyền hoàn thành tác phẩm có một số đồng nghiệp làm chung chứng kiến, thể hiện bà Hạnh không có tham gia vào công đoạn nào.
Chủ tọa hỏi, nếu tự tay vẽ lại 4 nhân vật Trạng Tí, Sửu ẹo, Dần béo, cả Mẹo ông Linh có thực hiện được không? Họa sĩ Lê Linh khẳng định: “Tôi chỉ cần có bảng vẽ, bút lông và màu là sẽ vẽ liền ngay 4 nhân vật này…”.
Sau thời gian HĐXX hội ý, phiên tòa tạm nghỉ và sẽ tiếp tục vào sáng mai 25.1.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.