Căng thẳng Trung Đông đe dọa kinh tế toàn cầu

03/10/2024 07:36 GMT+7

Diễn biến căng thẳng tại Trung Đông đang tác động đến các thị trường toàn cầu và đe dọa đến nguồn cung dầu mỏ nếu xung đột leo thang.

CNN hôm qua đưa tin giá dầu tiếp tục tăng lên vì những lo ngại leo thang xung đột tại Trung Đông. Giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 74,8 USD/thùng, tăng gần 2% trong khi dầu WTI tăng 2% lên 71,2 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này đều chốt phiên hôm 1.10 tại Mỹ với mức tăng khoảng 2,5% sau khi tăng 5% ở một số thời điểm. Nhà phân tích Stephen Innes tại Hãng quản lý tài sản SPI (Thụy Sĩ) cho biết căng thẳng gia tăng tại khu vực đã dội gáo nước lạnh vào tâm lý lạc quan đã thúc đẩy thị trường tài chính trong tuần qua và mối lo ngại thật sự là khả năng Israel tấn công ngành dầu mỏ của Iran, nước xuất khẩu lớn thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Iran xuất khẩu khoảng 1,7 triệu thùng dầu mỗi ngày và hầu hết là sang Trung Quốc, song các nhà phân tích đánh giá rằng việc giảm sản lượng có thể gây tác động lớn đến thị trường toàn cầu.

Điểm xung đột: Iran dội mưa tên lửa xuống Israel; Ukraine mất thị trấn then chốt

Theo tờ Financial Times, các nhà giao dịch và phân tích cảnh báo về nguy cơ gián đoạn xuất khẩu năng lượng nếu xung đột Trung Đông lan rộng, bởi khu vực này chiếm khoảng 1/3 nguồn sản xuất dầu mỏ toàn cầu. Ngoài việc là nhà xuất khẩu lớn, Iran còn có vị trí án ngữ eo biển Hormuz, nút thắt cổ chai mà sản lượng dầu khí xuất khẩu của các nước vùng Vịnh như Ả Rập Xê Út, Qatar, Kuwait hay UAE đi qua. "Do đó, khi Iran liên quan một cuộc chiến với các láng giềng của họ, bạn phải đối mặt với một số rủi ro gián đoạn địa chính trị", theo ông Bob McNally, nhà sáng lập Hãng phân tích Rapidan Energy Group và từng là cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush.

Căng thẳng Trung Đông đe dọa kinh tế toàn cầu- Ảnh 1.

Thiết bị bơm dầu gần TP.Bakersfield (Mỹ)

Ảnh: Reuters


Sự biến động tại Trung Đông còn ảnh hưởng đến các thị trường cổ phiếu và các hàng hóa khác trên toàn cầu. Ngoại trừ chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng điểm nhờ các chính sách kích thích của Trung Quốc, hầu hết thị trường chứng khoán tại châu Á đều phủ sắc đỏ trong ngày 2.10, theo sau đợt bán tháo tại Phố Wall, theo CNN.

Đặc biệt, cổ phiếu của các công ty quốc phòng đồng loạt tăng lên khi nguy cơ xung đột leo thang. Theo CNBC, cổ phiếu của các nhà thầu quốc phòng châu Âu gồm Saab và BAE Systems hôm qua tăng 2,2% trong khi Thales và Rheinmetall tăng hơn 1,3%. Trước đó, cổ phiếu của các nhà thầu Mỹ như Lockheed Martin, RTX (trước đây là Raytheon), Northrop Grumman và L3Harris đều tăng hơn 2,6% trong ngày 1.10. Trong đó, cổ phiếu của Lockheed Martin và RTX chạm mốc cao kỷ lục trong khi hai hãng còn lại đạt mức cao nhất từ năm 2022, theo Forbes.

Ngoài ra, các tài sản mang tính an toàn cao cũng đều tăng giá. USD được giao dịch ở mức cao nhất trong 3 tuần so với euro.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.