Theo Hãng tư vấn công nghệ Gartner, hệ điều hành Android do Google phát triển chiếm tới 43,4% thị phần thị trường điện thoại thông minh, vượt xa con số 22% của Nokia và 18% của Apple.
Chiến lược của Google trước nay là cung cấp phần mềm mạnh cho các nhà sản xuất điện thoại di động (phần cứng) như Samsung hay HTC. Nhưng với việc mua lại Motorola Mobility, Google đã chuyển sang chiến thuật mới đầy mạo hiểm là vừa phát triển phần mềm, vừa sản xuất phần cứng.
Lợi và hại
Một số nhà phân tích công nghệ nhận định với thương vụ mua Motorola Mobility, Google muốn sở hữu lượng bản quyền công nghệ khổng lồ của Motorola. Ở thời điểm hiện tại, khi các công ty công nghệ liên tục kiện tụng lẫn nhau về vấn đề bản quyền, và số tiền đền bù thiệt hại là rất lớn, thì điều tối quan trọng đối với các hãng công nghệ là nắm trong tay càng nhiều bản quyền càng tốt. Ví dụ, tháng trước sáu tập đoàn trong đó có các đại gia như Apple, Microsoft, Research in Motion (RIM) đã trả tổng cộng 4,5 tỉ USD để mua lại một loạt bản quyền công nghệ của Hãng Nortel Networks.
Motorola là một trong những công ty di động lâu đời nhất thế giới và sở hữu hơn 17.000 bản quyền công nghệ quan trọng, trong đó có công nghệ 2G và 3G. Ngoài di động, Motorola cũng tập trung vào một mảng cực nóng khác của công nghệ là truyền hình Internet. Truyền hình Internet đang trỗi dậy và bất kỳ công ty nào dẫn đầu trong lĩnh vực này cũng đều có khả năng thắng lớn.
Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá Google sẽ phải đối mặt với những thách thức cực lớn. Bởi hiện nay không có nhiều công ty có đủ lực vừa phát triển phần mềm, vừa sản xuất phần cứng. Từ trước đến nay, Google vẫn luôn là nhà phát triển phần mềm thuần túy. Hơn nữa, hiện Google đang cung cấp hệ điều hành Android cho hơn 30 nhà sản xuất điện thoại di động trên toàn thế giới. Thỏa thuận mua lại Motorola Mobility có thể biến Google từ đối tác thành đối thủ cạnh tranh của những công ty này.
“Việc mua lại một công ty sản xuất điện thoại sẽ không giúp Google giành được tình cảm của các khách hàng” - nhà phân tích công nghệ Charles Golvin thuộc Hãng Forrester Research nhận định.
Ngoài ra, Google có thể gặp khó khăn trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của Motorola Mobility ở Trung Quốc. Đây là một trong những thị trường chủ chốt của Motorola Mobility. Sau những tranh cãi hồi năm ngoái, Google đã dời dịch vụ tìm kiếm tiếng Hoa sang Hong Kong. Việc truy cập các dịch vụ Google ở Trung Quốc khá chập chờn, do đó Motorola Mobility đã thay dịch vụ Google trên điện thoại của mình bằng dịch vụ của Microsoft và các hãng Trung Quốc như Baidu.
Các hãng di động châu Á lo ngại
Các nhà sản xuất điện thoại di động châu Á như Samsung, LG Electronics (Hàn Quốc), HTC (Đài Loan), Sony Ericsson (Nhật - Thụy Điển), Huawei Technologies (Trung Quốc) đều đang cảm thấy lo ngại với bước đi của Google. Tất cả đều đang sử dụng hệ điều hành Android của Google.
“Thỏa thuận này khiến các khách hàng sử dụng Android nhận ra rằng họ quá phụ thuộc vào Google, và các kế hoạch của Google có thể làm thay đổi hoạt động kinh doanh của họ” - nhà phân tích Francisco Jeronimo thuộc Hãng nghiên cứu IDC nhận định.
Tuy Samsung, HTC và LG Electronics mới đây đã lên tiếng chào đón thỏa thuận của Google và cho rằng nó sẽ giúp các hãng này chống lại các vụ kiện tụng bản quyền, nhưng giới phân tích nghi ngờ các tuyên bố kiểu này không trung thực.
“Android sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các đối tác của Google, bởi nó trở thành một sân chơi ít bình đẳng hơn” - nhà phân tích Neil Mawston thuộc Hãng Strategy Analytics nhận định. Nhà phân tích Jeronimo dự báo Samsung, HTC và Sony Ericsson có thể sẽ tìm đến các hệ điều hành khác để tránh nguy cơ phụ thuộc vào một hệ điều hành duy nhất.
Các chuyên gia Phố Wall cho rằng Microsoft sẽ là kẻ thắng cuộc bất ngờ bởi các hãng điện thoại đang phụ thuộc vào Android có thể chuyển sang sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft.
Theo Tuổi trẻ
Bình luận (0)