'Canh bạc' của ông chủ tịch xã

26/07/2024 08:23 GMT+7

Về thăm xã Văn Phú (H.Sơn Dương, Tuyên Quang), chúng tôi được nghe câu chuyện về sự đổi thay ở vùng đất này, khi bà con nông dân đổi đời từ nghề trồng dâu nuôi tằm.

Cán bộ không chỉ biết nói

"Đồng đất xã Văn Phú xưa nay vốn chỉ quen với lúa, với ngô. Thế nhưng giờ đây, nhiều cánh đồng đã có thêm màu xanh của dâu lai. Dâu xanh, kén tằm đang giúp người dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định", Chủ tịch UBND xã Văn Phú Bùi Xuân Lượng bắt đầu câu chuyện về nghề trồng dâu nuôi tằm của địa phương.

'Canh bạc' của ông chủ tịch xã- Ảnh 1.

Thu hoạch lá dâu

THANH TÙNG

Với mong muốn giúp người dân phát triển thêm nhiều ngành nghề đem lại thu nhập cao, Chủ tịch UBND xã Văn Phú Bùi Xuân Lượng cùng một số cán bộ xã đã tới các tỉnh Sơn La, Yên Bái học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng dâu, nuôi tằm.

Sau những chuyến đi thực tế, có một niềm tin vững chắc, mãnh liệt với nghề này, nên ông liên kết với Công ty cổ phần dâu tằm tơ Tây Bắc (Sơn La) hình thành chuỗi gắn kết cung cấp giống, sản xuất, thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Ban đầu, việc thực hiện mô hình gặp rất nhiều khó khăn, người dân đa phần đều hoài nghi và không hợp tác. Cũng dễ hiểu, bởi trước đây đã có nhiều dự án nuôi tằm đổ bể nên người dân không còn mặn mà với những dự án mới. Nhưng Chủ tịch UBND xã Bùi Xuân Lượng đã tiên phong thực hiện.

Nhìn lại suốt hành trình dài đã qua, ông Lượng cho biết vẫn ám ảnh câu nói của người dân khi cho rằng "cán bộ chỉ giỏi nói thôi chứ không biết làm". Sau câu nói đó, ông Lượng trực tiếp cải tạo 8 sào đất trồng ngô để trồng dâu, chứng minh cho bà con thấy rằng "cán bộ không chỉ biết nói".

Ông Lượng chia sẻ, đó cũng không khác gì một "canh bạc", nếu thất bại thì coi như việc vận động sẽ đổ bể, vì cán bộ nói trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập mà kết quả trên đồi trồng dâu lại phản ánh điều ngược lại thì ai tin nổi. Với ông Lượng, thí điểm thành công việc trồng dâu nuôi tằm ngay trên đất của mình không những mang lại giá trị kinh tế mà còn thực hiện lời hứa với nhân dân. Ông tâm niệm rằng, khi "dân thấy chủ tịch cũng xắn tay làm mà còn làm tốt thì tự khắc họ tin lời mình nói".

Từ 8 sào dâu ban đầu, sau 8 tháng, nương dâu đã cho đủ lá, ông Lượng nuôi lứa tằm đầu tiên, với 3 nong giống sau 12 - 14 ngày chăm sóc đã thu hoạch được hơn 30 kg kén. Ước tính, cứ 1 tháng sẽ nuôi được 2 lứa tằm, thu hoạch được gần 70 kg kén, với giá bán 130.000 đồng/kg cho lãi từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng

Từ thành công của ông Lượng, người dân ở xã Văn Phú cứ thế bảo nhau chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm. Được công ty cử cán bộ kỹ thuật về địa phương "cầm tay chỉ việc", làm quen với việc trồng dâu nuôi tằm, người dân ai nấy đều hăng say và làm việc với niềm tin không chỉ xóa được nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Từ mấy sào dâu ban đầu, đến nay, toàn xã đã có hơn 7 ha dâu tằm. Những bãi dâu lai chưa đầy tuổi đã phủ xanh mướt những soi bãi, đồi thấp và cho thu hoạch lá với năng suất cao.

'Canh bạc' của ông chủ tịch xã- Ảnh 2.

Người dân xã Văn Phú chăm sóc tằm

THANH TÙNG

Đầu năm 2022, vườn bưởi rộng 2 ha của gia đình ông Trần Văn Kiên (thôn Khe Thuyền 3) đang cho thu hoạch bất ngờ được chặt hạ đồng loạt, cả làng xúm vào can ngăn nhưng bất thành, chỉ biết tiếc nuối. Câu chuyện bỏ cả gia tài là vườn bưởi của ông Kiên để kịp đón đầu mô hình trồng dâu nuôi tằm của xã Văn Phú đến nay vẫn được nhắc lại như một "canh bạc" cân não của gia đình đồng bào dân tộc Cao Lan ở đây. Nhiều người bảo ông không bình thường, nhưng ông Kiên có niềm tin vào cây dâu, khi có sự ủng hộ tối đa của chính quyền.

Sau gần 1 năm phá bỏ vườn bưởi, cuối năm 2022 ông Kiên bắt đầu nuôi lứa tằm đầu tiên với 15 nong giống, thu được hơn 100 kg kén, lãi hơn 10 triệu đồng. Ông Kiên cho biết, lần đầu được hướng dẫn trồng dâu, nuôi tằm, ông cũng rất bỡ ngỡ. Nhưng khi thấy cây dâu trồng xuống vài ba ngày đã bén rễ, nảy lộc rất phù hợp với đồng đất này rồi. Chỉ sau 7 - 8 tháng trồng dâu, gia đình đã được nuôi lứa tằm đầu tiên. Vui hơn nữa là sản phẩm được công ty bao tiêu thu mua nên ông không phải lo đầu ra. Nếu chỉ tính nuôi 7 - 8 lứa tằm/năm thì cũng hiệu quả gấp 2 - 3 lần trồng bưởi.

Chung niềm vui với những hộ trồng dâu, nuôi tằm ở thôn Khe Thuyền 3, những người dân thôn Văn Hiến (xã Văn Phú) cũng đã có những lứa dâu xanh, những vòng tằm vàng óng. Anh Nguyễn Văn Hùng (thôn Văn Hiến) cho biết, với 11 sào dâu, bình quân mỗi tháng gia đình anh nuôi 2 lứa, mỗi lứa 5 nong giống, thu được gần 100 kg kén, với giá bán 130.000 - 165.000 đồng/kg, anh thu lãi hơn 8 triệu đồng/tháng. Năm nay, gia đình anh trồng thêm 2 sào dâu và mở rộng quy mô nuôi tằm.

Chủ tịch UBND xã Văn Phú Bùi Xuân Lượng chia sẻ, xã đã có chủ trương phát triển khoảng 30 ha dâu tại những diện tích cây trồng kém hiệu quả. Cây dâu ít sâu, bệnh, không kén đất, có khả năng chống chịu, thu hoạch lâu dài. Vì vậy, việc trồng dâu ở đất soi bãi, đất đồi thấp, đất lúa 1 vụ đạt được cả 2 mục tiêu về kinh tế và bảo vệ đất đai, môi trường. Dù mới thực hiện mô hình, nhưng bình quân 1 ha cũng đạt trên 200 triệu đồng mỗi năm nên nhân dân rất phấn khởi.

Ông Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng NN-PTNT H.Sơn Dương, cho biết việc trồng dâu nuôi tằm không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng môi trường nuôi tằm phải luôn luôn sạch sẽ, thoáng mát, do vậy phù hợp với trình độ sản xuất của nhiều nông dân trên địa bàn huyện. Giá cả và đầu ra ổn định như hiện nay mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.