Ông chồng hơn tám mươi cân của chị K.A.N đặt một chân đi giày bóng loáng lên chiếc thang tre chắc nịch, chân kia đạp lấy đà để lên thang vượt qua một bức tường ở chùa Bái Đính. Anh nhích dần lên trong tiếng hỉ hả của “công chúng” rằng thang chắc quá, yên tâm nhé. Trên Facebook cá nhân của mình, chị K.A.N chia sẻ “phóng sự ảnh” trèo thang vượt tường rút ngắn đường hành hương của mình kèm theo bình luận: “Trèo tường, bật rào là những kỹ năng cần có khi đi Bái Đính”.
“Phải nói cho rõ chúng tôi hoàn toàn không muốn trèo tường tại chùa chiền. Nhưng với kiểu dịch vụ “nhốt” khách chờ ô tô điện, nếu không trèo tường thì chẳng biết bao giờ đi tiếp được”, chị K.A.N phân trần. Theo chị, khách hành hương được đưa tới một chỗ cách chỗ để ô tô nhà ba cây số rưỡi, muốn đi đến chùa cũng mất chừng ấy đường cuốc bộ. Việc di chuyển lúc đó hoàn toàn bằng xe điện. Có điều xe điện lại không đủ để cung cấp dịch vụ. Nếu không trèo thì chị cùng rất nhiều người khác chỉ còn cách dài cổ ngóng xe. Tiến thoái lưỡng nan như thế, các chị mừng húm khi những chiếc thang dịch vụ bỗng như từ trên trời rơi xuống.
|
Giá dịch vụ thang bật tường này rất cạnh tranh. Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, trèo một lượt là 2.000 đồng. Trèo khứ hồi hai lượt đi về là 5.000 đồng. Từ cổng chính Tam quan mới bật tường ra đường đi về 5.000 đồng. Bật tường vào sân chính của chùa cổ Bái Đính là 2.000 đồng. Cơ động cũng xuất hiện, thu và phạt nặng người cung cấp thang. Nhưng đâu lại vào đó. “Bái Đính thiết kế để khách buộc phải đi xe điện, nhưng xe điện lại không cung cấp đủ nên mới khổ thế”, chị cho biết.
Cùng cảnh quá tải, khách đi chùa Hương cũng oải không kém. Xác định việc chờ mua vé cáp treo sẽ mất vài giờ đồng hồ, nhiều khách chơi xuân vẫn rã rời khi phải mong ngóng. Vận động tối đa nhân lực Công ty cổ phần vận tải du lịch Hương Sơn vẫn không làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” được. Thậm chí, có những lúc công ty này đã phải ngưng bán vé để tránh ùn tắc phía trên động, dẫn tới mất an toàn.
|
Trách nhiệm lãnh đạo địa phương
Sự quá tải lễ hội nói cho cùng vẫn mang màu sắc cũ của 2012. Nó cho thấy năng lực quản lý tại địa phương. Còn nhớ, ông Phạm Xuân Phúc - Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, vừa lên tiếng cách nay hơn một tháng về năng lực quản lý này. Ông nói: “Các lễ hội phần lớn được mở rộng quy mô nhưng việc đầu tư cho hạ tầng giao thông, nơi để phương tiện giao thông, các quầy dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế”. Cũng theo ông Phúc, điều này thể hiện ở tình trạng ùn tắc giao thông, lấn chiếm đường đi... gây quá tải mệt mỏi cho khách.
Từ góc độ công nghiệp văn hóa, rõ ràng chúng ta không thể trách địa phương khi họ muốn tăng lượng người đến lễ hội địa phương mình. Ngoài nguồn thu từ các dịch vụ, đây cũng là cách xây dựng hình ảnh văn hóa. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật: “Quản lý lễ hội như một loại hình quản lý di sản sẽ dẫn chúng ta đến quan điểm “công nghệ quản lý và tổ chức lễ hội”. Theo đó, việc quản lý di sản được hiểu theo nghĩa rộng hơn nhiều. Đó không chỉ hoàn toàn là công việc trực tiếp liên quan đến di sản, mà chính là sự quản lý một xã hội thu nhỏ”.
Sự quản lý xã hội này, theo ông Sơn, không chỉ đơn giản xoay quanh việc phục hồi bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống ấy. Nó còn phải liên quan đến hàng loạt công việc như lập kế hoạch, nguồn nhân lực tổ chức lễ hội, tuyên truyền, marketing, tìm nguồn tài trợ, dịch vụ hậu cần, an ninh, y tế, vệ sinh thực phẩm hay phát triển các cơ sở hạ tầng có liên quan. “Dù quy mô các lễ hội có thể khác nhau nhưng các vấn đề đặt ra như trên vẫn cần có sự quan tâm quản lý từ các cấp, các ngành”, TS Sơn nói.
PGS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, khẳng định: “Có những yếu tố có vẻ vô cùng quan trọng khi quản lý lễ hội truyền thống nhưng lại không phải là thành tố của lễ hội truyền thống. Ví dụ vấn đề tổ chức sao cho người đến lễ hội không bị chen lấn xô đẩy, vấn đề vệ sinh ăn uống, giữ xe ở khu vực tổ chức lễ hội, vấn đề quản lý tiền công đức ở khuôn viên khu di tích”.
Cũng theo ông Bền, yếu tố quản lý này thuộc về công tác của chính quyền và cộng đồng. Tuy là ngoại diên của lễ hội, nó đóng vai trò quan trọng để hình thành văn hóa đi hội hôm nay. Ít nhất là để người đi lễ không phải trèo tường, canh cánh nỗi lo móc túi và đi hội sẽ thong dong không còn như đánh trận nữa.
Trinh Nguyễn
>> Hình ảnh chưa đẹp ngày khai hội chùa Hương
>> Nạn “chặt chém” ở hội chùa Hương
>> Lộn xộn trước chùa Hương Tích
>> Bát nháo ở chùa Hương
>> Hàng chục ngàn người trẩy hội chùa Hương
Bình luận (0)