Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu: Viêm não vi rút đang tăng mạnh vào mùa hè, thường “tấn công” trẻ dưới 15 tuổi. Đáng lưu ý, đã xuất hiện một số ca viêm não Nhật Bản (thường gây bệnh nặng, tỷ lệ tử vong và di chứng cao). Cụ thể, tuần đầu tháng 6 đã ghi nhận 8 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản tại 7 tỉnh, thành phố (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Nghệ An, Đắk Lắk), tăng 5 trường hợp so với tuần trước đó.
|
Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 275 trường hợp mắc viêm não vi rút, tập trung ở miền Bắc (chiếm 42,5% tổng số ca mắc cả nước) và miền Nam (chiếm 39,6%); ghi nhận 9 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp mắc tăng 2,6% (275/268), số tử vong tăng 1 trường hợp (9/8). Riêng tuần đầu tháng 6 năm nay, số ca viêm não do vi rút đã xuất hiện tại 11 tỉnh, thành phố: Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Hải Dương, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, TP.HCM.
Các nguyên nhân gây viêm não thường là các vi rút: viêm não Nhật Bản, vi rút herpes, các vi rút đường ruột… Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng vi rút, nên cần xét nghiệm xác định vi rút.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng đang tăng nhanh trong những tuần gần đây. Đặc biệt, đã có một trường hợp tử vong (tại P.Trung Liệt, Q.Đống Đa). Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP.Hà Nội đã ghi nhận 1.281 ca mắc SXH (tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016) tại 28/30 quận, huyện, thị xã (hai địa phương chưa có ca mắc là H.Ứng Hòa và TX.Sơn Tây).
Còn tại TP.HCM, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay thành phố có gần 7.600 ca SXH, tương đương cùng kỳ năm 2016 nhưng đã có 3 ca tử vong (cùng kỳ 2016 có 1 ca). Theo nhận định của lãnh đạo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, với lượng mưa liên tục, dự kiến SXH sẽ tăng sớm vào cuối tháng 6, nên đây là thời điểm rất đáng quan tâm.
Mặc dù SXH có nguy cơ tăng sớm như vậy, nhưng qua giám sát tại các quận, huyện, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM nhận định các quận, huyện còn nhiều tồn tại trong phòng chống dịch bệnh này.
Cũng theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, với dịch bệnh tay chân miệng, từ đầu năm đến nay TP.HCM có hơn 1.800 ca mắc.
Bình luận (0)