Cảnh báo đột quỵ do rung nhĩ

Lê Vân
Lê Vân
04/11/2022 09:05 GMT+7

Nhồi máu não cấp là nguyên nhân 90% các ca đột quỵ. Tuy nhiên, gần đây nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu đột quỵ lại do bệnh rung nhĩ mãn tính, không đáp ứng thuốc dự phòng hằng ngày.

Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp nhất trong cộng đồng. Rung nhĩ có thể là nguyên nhân gây ra khoảng 5% các trường hợp đột quỵ mỗi năm. Với bệnh nhân suy tim có kèm theo rung nhĩ, tỷ lệ tử vong tăng hơn đến 34%. Tỷ lệ rung nhĩ tăng dần theo tuổi, trung bình tỷ lệ mới mắc rung nhĩ khoảng 0,1% mỗi năm ở người dưới 40 tuổi nhưng tăng lên 1,5 - 2% ở người trên 80 tuổi.

Đêm 2.11, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) tiếp nhận một bệnh nhân (BN) 53 tuổi (ngụ TP.HCM) bị đột quỵ cấp cần tái thông mạch não do tắc nghẽn động mạch. Nguyên nhân được xác định là BN có bệnh nền rung nhĩ, hở van tim, uống thuốc chống đông không đạt INR 1.08.

INR (International Normalized Ratio) là một loại xét nghiệm máu liên quan đến quá trình đông máu. INR là viết tắt của xét nghiệm đánh giá mức độ hình thành các cục máu đông, tức biểu thị thời gian đông máu của BN xét nghiệm. Xét nghiệm này thường được bác sĩ chỉ định trước khi tiến hành phẫu thuật hoặc một thủ thuật quan trọng nào đó để đánh giá tốc độ đông máu sẽ ảnh hưởng lớn đến mức độ thành công của ca phẫu thuật. Dựa vào kết quả xét nghiệm, nếu chỉ số này nằm ngoài ngưỡng chỉ tiêu bình thường thì bác sĩ sẽ xem xét lại và có thể sẽ điều trị rồi mới tiến hành phẫu thuật.

Trước đó, Bệnh viện Thống Nhất cũng tiếp nhận ca đột quỵ ở BN nữ 41 tuổi do rung nhĩ. May mắn BN này được cấp cứu kịp thời trong 3 giờ đầu sau khởi phát đột quỵ nên đã hồi phục hoàn toàn.

Các bác sĩ khuyến cáo: Nếu được chẩn đoán là rung nhĩ nói riêng hoặc bệnh tim mạch nói chung, người bệnh cần phải tới bác sĩ để được khám và điều trị ngay. Khi bị rung nhĩ, tâm nhĩ đập quá nhanh (chỉ rung rung chứ không co bóp thành từng nhát) nên bơm máu không hiệu quả xuống thất. Khi máu bị ứ trệ lại trong các buồng nhĩ và tiểu nhĩ, sẽ dễ có khuynh hướng tạo thành cục máu đông. Nếu cục máu đông vỡ ra, trôi theo dòng máu và đi đến não có thể làm tắc động mạch não gây ra đột quỵ.

Các chỉ số INR bình thường và bất thường

Ở người bình thường, chỉ số INR thường nằm trong khoảng 0,8 - 1,2.

Ở những người có sử dụng thuốc chống đông máu, chỉ số INR phải nằm trong khoảng 2 - 3.

Nếu chỉ số này <2 thì chứng tỏ tác dụng của thuốc chống đông không đủ.

Nếu chỉ số này >3 thì chứng tỏ tác dụng của thuốc quá lớn.

Trong một số trường hợp, chỉ số INR có thể lên đến 4,5.

Khi chỉ số INR >5 thì luôn kèm theo nguy cơ chảy máu cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.