Ngày 28.2, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) thông tin nhận định về nguồn nước cũng như cảnh báo nguy cơ thiếu nước, hạn hán cục bộ trong sản xuất nông nghiệp ở Trung bộ, Tây nguyên và xâm nhập mặn ở ĐBSCL.
Theo Tổng cục Thủy lợi, dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 3, tổng lượng mưa ở bắc Trung bộ phổ biến từ 50 - 60 mm, cao hơn 10 - 20% so với trung bình nhiều năm. Khu vực nam Trung bộ có tổng lượng mưa phổ biến từ 30 - 40 mm, cao hơn 20 - 30% so với trung bình nhiều năm. Trong đó, Ninh Thuận, Bình Thuận ít mưa. Còn tại Tây nguyên, tổng lượng mưa sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 2 - 21%, dao động từ 30 - 40 mm. Mưa ít và lượng nước tích trữ của nhiều công trình thủy lợi ở Trung bộ và Tây nguyên ở mức thấp so với dung tích thiết kế khiến nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp sẽ thiếu nước, hạn hán cục bộ.
Cụ thể, lượng nước tích trữ trung bình của các hồ ở Trung bộ chỉ đạt 65% so với dung tích thiết kế nên vụ đông xuân 2021 - 2022, các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có 500 - 1.000 ha, Thừa Thiên - Huế có 100 ha sẽ thiếu nước cục bộ và hạn nhẹ. Tại Tây nguyên, dự báo đến cuối tháng 3 dung tích trữ nước trung bình của các hồ chỉ đạt 60% so với thiết kế. Trong các tháng 4 - 5, các tỉnh Tây nguyên sẽ có 6.000 - 9.000 ha cây trồng thiếu nước, hạn hán cục bộ và tập trung nhiều ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông.
Nhận định về xâm nhập mặn trong tháng 3 ở ĐBSCL, Tổng cục Thủy lợi cho biết vùng cửa sông Cửu Long có ranh mặn 4 g/lít, khả năng xâm nhập mặn ở mức 55 - 65 km. Còn trên sông Vàm Cỏ, ranh mặn lớn nhất 4 g/lít có khả năng xuất hiện trong các tháng 3 - 4 và xâm nhập mặn trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây ở mức 80 - 90 km. Dự báo ở một số thời điểm, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi nên người dân các địa phương cần chủ động phương án tích trữ nước ngọt đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt và phục vụ sản xuất.
Bình luận (0)