Hôn mê, nguy kịch sau một lần uống rượu
“Sau 9 giờ đồng hồ vẫn không thấy con tôi tỉnh rượu, bạn bè cháu mới gọi báo cho gia đình. Chúng tôi đến đón thì thấy con mình không biết gì, tay chân buông thõng, nâng tay con lên thả ra thì lại rơi xuống, hoàn toàn không cử động được”, mẹ của nữ bệnh nhân 19 tuổi đang điều trị tại Trung tâm chống độc kể lại.
tin liên quan
Bệnh nhân ngộ độc rượu tại TP.HCM đã tử vongBà cũng chia sẻ: “Chỉ nghĩ vì lần đầu uống rượu nên con say, do đó gia đình nhờ một bác sĩ quen khám và truyền nhanh 5 chai nước ở nhà trong hơn 2 tiếng. Nhưng dù vậy con vẫn không tỉnh được nên gia đình lo quá đưa con thẳng từ Mộc Châu về Bệnh viện (BV) Bạch Mai lúc rạng sáng 8.2 (mùng 4 tết)”. Mẹ nữ sinh chưa hết lo lắng nhớ lại: “Khi đưa con đến BV, chúng tôi xác định cơ hội sống của con là 50 - 50 vì cháu không biết gì, gọi hỏi không thưa. Lại cũng sợ con bị uống phải rượu có bỏ thêm chất lạ gì vào”.
Trước đó, ngày 7.2, cô gái này đi chúc tết cùng bạn bè và về nhà một bạn trong nhóm ăn cơm, uống rượu mừng năm mới. Sau bữa tiệc, cô rơi vào tình trạng hôn mê.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, phải đặt ống thở và điều trị tích cực. Sau gần 20 giờ điều trị, bệnh nhân đã tỉnh và có thể nói chuyện được, đã qua giai đoạn nguy hiểm. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân không có cồn công nghiệp methanol nhưng có thể rơi vào nguy kịch do uống nhiều rượu.
Lạm dụng chất cồn có xu hướng tăng lên
Đặc biệt, các bác sĩ cảnh báo tình trạng lạm dụng nghiện chất cồn có xu hướng tăng lên. Ngoài nữ bệnh nhân 19 tuổi nêu trên, tại Trung tâm chống độc cũng đang điều trị một nữ bệnh nhân 23 tuổi. Cô được đưa đến viện do bệnh lý liên quan mạch máu hiếm gặp, nhưng qua trao đổi, gia đình cho hay, bệnh nhân có tiền sử uống rượu nhiều và hút thuốc lá.
Đáng lưu ý, cô gái này uống rượu nhiều, các loại khác nhau, với khoảng 500 - 700 ml rượu mỗi ngày. Các bác sĩ nhận định, lạm dụng rượu và sử dụng thuốc lá trong thời gian dài có thể là tác nhân quan trọng gây nên căn bệnh mạch máu mà cô mắc phải.
Bác sĩ Nguyên lưu ý các gia đình cần quan tâm đến con em, dù là bia rượu nhẹ hay nặng thì lạm dụng đều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt gan, thận, thần kinh.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Uống rượu ngay cả khi chưa bị các tác hại trực tiếp về sức khỏe nhưng vẫn có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính (ung thư, bệnh tim mạch...), tăng nguy cơ chấn thương và nhiễm độc.
Uống bao nhiêu để không gây hại cho sức khỏe?Một số ý kiến cho rằng uống bia ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Đây là quan niệm không đúng. Tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gram cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng).
Uống rượu nhiều còn gây mất trí nhớ, rối loạn tinh thần. Phụ nữ uống nhiều rượu không chỉ nguy hại cho bản thân mà có nhiều tác hại như: gây sinh non khi mang thai, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, quá 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy, 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); 1 cốc bia hơi 330 ml hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%). Trẻ em dưới 18 tuổi không uống rượu bia.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế
|
Bình luận (0)