Cảnh báo lạm phát từ giá xăng dầu, điện

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/08/2024 06:25 GMT+7

Giá xăng dầu chỉ tăng nhẹ, giá điện chưa được điều chỉnh tăng, thế nhưng cùng với chi phí y tế, đây lại là những nhân tố khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng mạnh.

CPI gần "đụng trần"

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) cho thấy CPI trong tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 1,89% so với tháng 12.2023 và tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng đẩy chi phí điện tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới là nguyên nhân dẫn đến CPI tăng.

Trong đó, nhóm giao thông tăng 1,45%, chủ yếu do giá dầu diesel tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng, đẩy giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 20,44%...; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5%, chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 1,39%... Kết quả, lạm phát cơ bản trong tháng 7 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.

Cảnh báo lạm phát từ giá xăng dầu, điện- Ảnh 1.

Giá xăng dầu là một trong những “thủ phạm” đẩy CPI tăng

Nhật Thịnh

Thông thường nửa đầu năm CPI không tăng nhiều và không đáng lo ngại như nửa cuối năm. Năm nay, từ giữa năm, CPI đã tăng và sang tháng 7 tăng tiếp, bình quân 7 tháng tính từ đầu năm CPI tăng 4,12% là tỷ lệ không thấp, không nên chủ quan.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong

Đáng nói, dù được liệt kê trong nhóm các mặt hàng là nguyên nhân đẩy CPI tăng nhưng giá điện từ tháng 12.2023 đến nay vẫn chưa kịp tăng. Vậy vì sao mặt hàng này vẫn tác động đến mặt bằng giá cả trong nước? TS Nguyễn Huy Hoạch (Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng VN) cho rằng tuy giá bán lẻ điện bình quân chưa được điều chỉnh tăng, song lượng điện tiêu thụ tăng đột biến trong tháng nắng nóng đẩy hóa đơn tiền điện tăng mạnh. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, có ngày cả nước dùng trên 1 triệu kWh.

"Theo tôi, điện sinh hoạt trong mùa nắng nóng tăng mạnh đẩy chi phí sử dụng điện sinh hoạt tăng, ảnh hưởng đến CPI nói chung. Thống kê ngành điện cho thấy tăng trưởng điện thương phẩm tăng 2 con số. Trong khi đó, với cách tính giá điện sinh hoạt theo bậc thang, càng dùng điện nhiều càng phải trả tiền điện đắt hơn hộ dùng ít, dẫn đến chi phí điện tăng. Trong thực tế, biểu giá điện bậc thang đã tác động trực tiếp đến hộ dùng điện nhiều. Tính toán cho thấy trong một tháng các hộ sử dụng từ 401 kWh trở lên phải trả tiền điện đắt hơn. Ngoài giá điện bậc thang, việc bù chéo trong giá điện, người dùng điện nhiều bù cho người dùng điện ít; điện sinh hoạt bù cho điện sản xuất… đẩy chi phí điện sinh hoạt tăng", TS Nguyễn Huy Hoạch phân tích.

Tương tự, với xăng dầu, dù có tới 4- 5 đợt điều chỉnh giá trong 1 tháng nhưng từ tuần cuối tháng 10.2023 đến nay Quỹ bình ổn giá xăng dầu lại không bình ổn vì theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021, quỹ này chỉ được sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề kỳ điều hành tăng từ 7% trở lên. Khi giá giảm hơn 5%, quỹ được trích thêm, ngoài 300 đồng/lít như quy định. Đối chiếu các kỳ gần đây, chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố liền kề nhau đều dưới 7%. Kết quả là cộng dồn nhiều lần không cần bình ổn thì xăng dầu cũng trở thành "thủ phạm" tác động lên CPI tháng 7. "Không nên quá kỳ vọng vào quỹ bình ổn, bởi quỹ chỉ được sử dụng trong trường hợp rất cần thiết. Và cơ quan điều hành phải tính mức giá ở thời điểm tăng chứ không phải là tăng bao nhiêu lần", ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, lưu ý.

Cần sử dụng linh hoạt công cụ bình ổn

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhận xét cho dù giá xăng dầu tại mỗi lần tăng với mức tương đối thấp và nhà điều hành luôn khẳng định mức tăng không ảnh hưởng đến điều hành vĩ mô kinh tế - xã hội, tăng ở mức cho phép… song thực tế cho thấy giá xăng dầu đang ảnh hưởng đến lạm phát và điều này cần được cảnh báo.

"Thông thường nửa đầu năm CPI không tăng nhiều và không đáng lo ngại như nửa cuối năm. Năm nay, từ giữa năm, CPI đã tăng và sang tháng 7 tăng tiếp, bình quân 7 tháng tính từ đầu năm CPI tăng 4,12% là tỷ lệ không thấp, không nên chủ quan. CPI đang phản ánh thị trường rất rõ ràng, các yếu tố đầu vào tăng, không riêng gì giá xăng dầu, giá điện. Trong khi đó, chúng ta đang điều hành vĩ mô ưu tiên tăng trưởng, như vậy việc kiểm soát lạm phát trong những tháng tới càng nhiều thách thức hơn khi nhu cầu sử dụng điện, vận tải tiếp tục tăng", ông Phong nói.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nói trong rổ hàng hóa tác động đến CPI, nhóm hàng hóa dịch vụ về năng lượng sẽ có tác động rất lớn đến lạm phát, bởi đó là các yếu tố đầu vào của hàng hóa, dịch vụ nói chung. Số liệu thống kê cho thấy giá xăng dầu và điện tăng đang là điều cảnh báo cho lạm phát trong năm nay. "Quốc hội cho phép lạm phát tối đa 4,5%, nay đã lên 4,12%, dư địa còn rất ít. Vì thế, điều hành vĩ mô trong thời gian tới hết sức thận trọng", ông Long lưu ý. Dù vậy chuyên gia này cũng cho rằng con số gần 7.000 tỉ đồng tiền còn trong Quỹ bình ổn giá xăng dầu là không nhiều, nếu sử dụng xả quỹ chỉ vài lần là hết. Vì thế, cơ quan điều hành chọn giữ quỹ phòng khi giá thế giới tăng đột biến. "Còn giá điện, diễn biến cho thấy có thể tăng ít nhất 1 lần từ nay đến cuối năm. Nếu không cẩn thận, lạm phát sẽ đến sớm hơn chúng ta mong muốn", PGS-TS Ngô Trí Long dự báo.

Có cái nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đề nghị sửa quy định khi nào được phép "đụng" đến quỹ bình ổn, không nên cứng nhắc theo quy định của thông tư được ban hành từ nhiều năm trước. Bởi giá xăng dầu thế giới biến động từng ngày, có thể mức chênh lệch giá tại mỗi tuần điều chỉnh giá chưa tới 7%, nhưng khi cần thiết nên tận dụng tối đa vai trò bình ổn đúng như tên gọi của quỹ. "Lúc này, Tổng cục Thống kê đã nêu đích danh giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến lạm phát, hà cớ gì chúng ta không điều hành để giá sản phẩm đó không tác động đến CPI nữa?", ông Lạng nêu quan điểm.

Về giá điện, theo TS Nguyễn Huy Hoạch, việc tính theo bậc thang và bù chéo trong giá điện là các tác nhân đẩy chi phí điện tăng. Đó là chưa kể từ nay đến cuối năm giá điện bình quân có thể tăng tiếp nhằm giảm lỗ cho ngành điện khi mua vào giá cao, bán ra giá thấp. Thế nên cần đẩy nhanh triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp; hoàn thiện các cơ chế về điện tái tạo nhằm giảm áp lực chi sử dụng điện tăng; cần thiết sửa luật Điện lực sớm, quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường cạnh tranh minh bạch, giá theo cơ chế thị trường; bổ sung quy định về chính sách giá điện nhằm giảm dần, tiến đến xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, vùng miền; đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào khâu phát điện…

Giá xăng dầu, điện thuộc chi phí đầu vào có tác động rất lớn và có độ trễ nhất định. Không phải trong tháng 7 giá dầu tăng 4% mà đẩy CPI tăng. Trong thực tế, từ tháng 5, khi xăng tăng 14 - 15% so với đầu năm, giá cả đã rục rịch tăng. Thế nên phòng bệnh hơn chữa bệnh, khi thấy giá thế giới tăng liên tục, cho dù mức tăng thấp vẫn nên sử dụng công cụ quỹ bình ổn một cách linh hoạt nhằm hạ nhiệt giá cả hàng hóa, giảm áp lực lạm phát trong tương lai gần. Ngoài ra, trong thời gian tới, giá điện cũng cần được cân nhắc nếu quyết định tăng.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.