Theo Công ty cổ phần An ninh mạng việt nam VSEC, lỗ hổng có thể khiến toàn bộ hệ thống của doanh nghiệp lớn bị đánh sập chỉ với 1 cú nhấn chuột.
Lỗ hổng được gắn mã là CVE-2020-5902 với số điểm CVSSv3 là 10/10 điểm, điều này có nghĩa là lỗ hổng được các chuyên gia bảo mật và phân tích mã độc trên thế giới đánh giá mức độ nghiêm trọng đạt mức tối đa.
Cụ thể, Big IP là bộ giải pháp dùng để đảm bảo an ninh hệ thống của các doanh nghiệp lớn do F5 Networks cung cấp, trong đấy, phần mềm đang bị dính lỗ hổng bảo mật là ADC - một thiết bị được đặt giữa tường lửa và các máy chủ ứng dụng để cân bằng lưu lượng truy cập vào ứng dụng, chống tắc nghẽn khi số lượng truy cập ở một thời điểm quá cao.
Việc xuất hiện lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trên ADC cho phép kẻ tấn công giành quyền kiểm soát quản trị viên trên thiết bị, sau đấy thực hiện hành động tấn công xâm hại trên thiết bị bị xâm nhập.
F5 Networks vốn được biết đến với tiềm lực và uy tín hàng đầu thế giới về lĩnh vực mạng ứng dụng phân phối - Application Delivery Networking - AND. Đến nay, có đến 90% các công ty tài chính và viễn thông hàng đầu thế giới sử dụng sản phẩm và giải pháp của F5 Networks, như các chính phủ, doanh nghiệp, công ty trong danh sách Fortune 500, ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ và thương hiệu tiêu dùng bao gồm Microsoft, Oracle và Facebook…
Các đơn vị sử dụng giải pháp của F5 Networks đặt hoàn toàn sự tin tưởng vào dịch vụ của công ty này nên hầu như không chuẩn bị thêm phương án dự phòng. Vì thế, việc xuất hiện lỗ hổng bảo mật lần này gây hoang mang và điêu đứng cho hệ thống tất cả doanh nghiệp lớn trên thế giới.
"Bằng cách khai thác lỗ hổng này, kẻ tấn công sẽ có quyền truy cập vào tiện ích cấu hình Big IP, mà không cần xác thực, thực hiện các tác vụ điều khiển từ xa (RCE)", ông Đào Minh Tuấn - đại diện Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam giải thích.
Nguy hiểm hơn, lỗ hổng này có thể đánh sập một hệ thống lớn nhưng cách khai thác lại đơn giản, người dùng không rõ về kỹ thuật cũng có thể tấn công thông qua nó. Bằng cách sử dụng những mã khai thác có sẵn đã được công khai phổ biến trên internet, bất kỳ ai cũng có thể trở thành hacker. Chưa bao giờ các hệ thống lớn lại bị đe dọa trầm trọng như hiện tại.
Đây là lý do CVE-2020-5902 đạt mức nguy hiểm tối đa 10/10
Hiện tại, F5 Networks đã công bố bản vá, chuyên gia của VSEC khuyến nghị các doanh nghiệp nên cập nhật bản mới và sử dụng các phiên bản đám mây (ví dụ: AWS, Azure, GCP và Alibaba) để chuyển sang các phiên bản Big IP Virtual Edition (VE) 11.6.5.2, 12.1.5.2, 13.1.3.4, 14.1.2.6, 15.0.1.4 hoặc 15.1.0.4 (nếu có thể).
Đối với những khách hàng không thể ngay lập tức nâng cấp lên phiên bản phần mềm đã vá, F5 cung cấp các phương pháp khắc phục tạm thời liên quan đến chỉnh sửa cài đặt liên quan tới các giao diện mạng, Self-IPs hoặc giao diện quản lý, doanh nghiệp có thể tham khảo hướng dẫn khắc phục tạm thời tại https://support.f5.com/csp/article/k52145254.
Bình luận (0)