Tình trạng ngập úng cục bộ tại xã Hòa Liên là điển hình của xây dựng đô thị và cơ sở hạ tầng dở dang gây cản trở thoát lũ - Ảnh: Nguyễn Tú |
Lụt bão diễn biến phức tạp
Đài khí tượng thủy văn Trung Trung bộ nhận định, đầu năm 2013 bão và áp thấp nhiệt đớt (ATNĐ) xảy ra rất sớm phía nam biển Đông cùng với nắng nóng gay gắt tại Đà Nẵng xuất hiện sớm đầu mùa khô nên tình hình thời tiết, thủy văn Đà Nẵng năm 2013 rất phức tạp. Theo dự đoán, năm 2013 sẽ có 11-13 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông, xấp xỉ và cao hơn so với mọi năm, trong đó có 5-7 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam, 3-5 cơn vào Trung Trung bộ và 1-2 cơn ảnh hưởng rất mạnh đến Đà Nẵng. Trong khi đó, tình trạng khô hạn đến tháng 9 mới được giải quyết bằng 3-4 đợt lũ lớn đến sớm với mức đỉnh lũ xấp xỉ, cao hơn trung bình nhiều năm và vượt báo động 3.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó trưởng BCH PCLB-TKCN cho hay TP.Đà Nẵng đã nhiều lần đề nghị Bộ TN-MT xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, trong đó quy định rõ việc vận hành xả lũ cũng như điều tiết nước vào mùa khô của các hồ thủy điện với sự giám sát của Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, tránh tình trạng xảy ra thiếu nước ở mùa khô và lũ lớn của mùa mưa cho hạ du, nhưng đến nay vẫn chưa có quy trình.
Nguyên nhân cản trở thoát lũ
|
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết, nhiều năm qua TP.Đà Nẵng phát triển nhanh với nhiều đô thị mới lấn ra sát sông, trước đây lũ về đồng bằng còn thoát qua đồng ruộng và làng mạc nhưng nay chỉ còn sông là đường thoát duy nhất. “Nguyên do từ việc lồng ghép công tác phòng chống thiên tai vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội chưa tốt, lập quy hoạch đô thị thường không chú ý đến hành lang thoát lũ, các dự án khu đô thị lấn sông gây cản trở, thu hẹp dòng chảy đột ngột làm tăng mực nước, mức độ và thời gian ngập lũ”, ông Thắng nói. Điển hình của xây dựng đô thị và cơ sở hạ tầng dở dang gây cản trở thoát lũ là tại xã Hòa Liên, H.Hòa Vang nơi chịu ảnh hưởng của lũ sông Cu Đê và lũ của lưu vực hồ Hòa Trung nên xảy ra ngập úng cục bộ.
Bên cạnh đó, mô hình mô phỏng thủy lực, thủy văn do Sở Xây dựng và ĐH Đà Nẵng thực hiện (Quỹ Rockefeller tài trợ) đã cảnh báo một kết quả giật mình, đó là với quy hoạch hiện nay thì mực nước đỉnh lũ tại Cẩm Lệ sẽ tăng thêm 0,67 m. Kết quả nghiên cứu mô hình này cũng đã khuyến cáo TP.Đà Nẵng cần phải quy hoạch các đô thị cách bờ sông 200 - 400m. “Mất đất dọc 2 bờ sông nhưng cái được của chúng ta lớn hơn nhiều, đó là giảm mức độ và thời gian ngập lũ đồng thời giảm thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước, giảm độ cao và khối lượng san nền ở các khu đô thị, đảm bảo được mức độ thiết kế chống lũ và cảnh quan, môi trường, sinh thái”, ông Thắng nói.
Do đó, BCH PCLB-TKCN đã đề nghị UBND TP.Đà Nẵng tái quy hoạch các cơ sở hạ tầng và đô thị đang xây dựng dở dang, quy hoạch các đô thị dọc sông Vĩnh Điện, sông Cầu Đỏ, sông Cẩm Lệ, sông Yên, sông Túy Loan, sông Quá Giáng và sông Cu Đê theo hướng đảm bảo hành lang thoát lũ.
Nguyễn Tú
Bình luận (0)