Trong các ngày từ 18 - 21.7, Cục Phòng, chống HIV/AIDS có các buổi thực địa, làm việc tại một số tỉnh phía nam như Bình Dương, Kiên Giang về công tác truyền thông, can thiệp phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.
Từ năm 2022, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã nhận định HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Đáng lưu ý, lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới gia tăng trong những năm gần đây.
Trước đây, lây nhiễm HIV ở Việt Nam chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở MSM đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Năm 2014, tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trong MSM là 6,7%, đến năm 2017 tăng lên 12,2% và đến năm 2020 là 13,3%.
Hiện, MSM được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam.
Theo ThS - BS Cao Kim Thoa, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng, chống HIV/AIDS), 3 - 4 năm gần đây, số ca nhiễm HIV ghi nhận tại Việt Nam đều tăng ở nhóm trẻ và MSM. MSM quan hệ có nguy cơ cao nhiễm HIV do họ thường có nhiều bạn tình, quan hệ không sợ mang thai và đường quan hệ cũng dễ lây nhiễm hơn.
Tăng người nhiễm HIV dưới 20 tuổi
Tại Bình Dương, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương, các giám sát cho thấy, trong khoảng gần 10 năm qua (từ 2014 đến nay), tỷ lệ người nhiễm HIV dưới 20 tuổi có xu hướng tăng. Trong đó, tỷ lệ thấp nhất là 3,5% (năm 2016), cao nhất là 11,5% (năm 2021).
Năm 2022, tỷ lệ người nhiễm dưới 20 tuổi giảm nhẹ, ở mức 9,8% trong các ca giám sát phát hiện HIV. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ này là 4,7%.
Lây nhiễm HIV qua tình dục đồng giới tại Bình Dương tăng trong các năm gần đây. Cụ thể: năm 2014, lây qua tình dục đồng giới chiếm 6,2% các ca mắc HIV được phát hiện; năm 2015 - 2018, tỷ lệ này tăng dần từ 12% lên 38,8%.
Năm 2019 - 2020, 50 - 70% người nhiễm HIV được phát hiện là lây qua tình dục đồng giới. Năm 2021, tỷ lệ này tăng lên 80%, sau đó giảm còn 67,4% (năm 2022) và 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ này là 67,3%.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Vương Thế Linh, Trưởng khoa HIV/AIDS (CDC tỉnh Bình Dương), cho hay hiện số ước tính MSM tại tỉnh vào khoảng 15.000 người (trong đó, độ tuổi 15 - 19 chiếm 10%, 20 - 29 tuổi chiếm 54,6% và trên 30 tuổi chiếm 35,4%). Hiện, can thiệp ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong MSM đang được chú trọng.
Quan tâm lớn tới vị thành niên MSM nhiễm HIV
Chia sẻ thêm về lây nhiễm HIV trong MSM, bác sĩ Linh cho hay đã ghi nhận các ca nhiễm MSM trong nhóm vị thành niên dưới 15 tuổi, có trường hợp chưa đến 14 tuổi.
Theo bác sĩ Linh, các ca nhiễm HIV là MSM do các CBO (mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng các MSM) giới thiệu. Để tiếp cận, hỗ trợ các MSM có nguy cơ nhiễm HIV, các nhóm CBO phân công tiếp xúc các "chợ tình", đi đến đó để tìm kiếm "khách hàng", mời họ tự làm xét nghiệm HIV sàng lọc; nếu có dương tính, giới thiệu họ đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định.
Nếu không dương tính nhưng có hành vi nguy cơ, họ sẽ được tiếp cận thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Với các vị thành niên nhiễm HIV, các em rất khó khăn trong việc chia sẻ thông tin với gia đình, người thân về việc nhiễm HIV, trong khi cũng rất lo lắng. Các trẻ này đa số ban đầu quan hệ vì được dụ cho tiền, sau đó các em bị dụ dỗ nhiều. Có những người mua dâm thích những đứa trẻ này.
Theo bác sĩ Linh, tại Bình Dương vừa qua có 2 ca nhiễm HIV dưới 14 tuổi, lây chủ yếu qua quan hệ tình dục đồng giới. Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang quan tâm nhóm này, bởi vì những người nhiễm mới chỉ 13 - 14 tuổi, nếu nhiễm HIV thì dễ lây cho thế hệ F1, F2, F3...; cho nên chương trình đang quan tâm nhóm này rất lớn.
Bác sĩ Linh chia sẻ, trước năm 2020, quy định tuổi tự nguyện đi xét nghiệm HIV là 16, giờ hạ xuống 15. Chúng tôi mong muốn các vị thành niên được đưa vào chương trình xét nghiệm, tiếp cận thuốc điều trị PrEP sớm.
Bởi nhiều trẻ nhỏ đang bị dụ dỗ, có nguy cơ cao mà không dám dùng PrEP, do cần có sự chấp nhận của gia đình hoặc người bảo lãnh hợp pháp, trong khi các em lại có thể không nói được với gia đình.
"Chúng ta tiếp cận, phải tác động từ từ. Chúng tôi sẽ cố gắng làm với sở, ngành liên quan để triển khai can thiệp ngừa nhiễm HIV đến các nhóm còn đang trong độ tuổi học THPT", bác sĩ Linh cho biết.
Dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả nhờ PrEP
Theo bác sĩ Linh, hiện thuốc PrEP được dùng cho người trưởng thành, chỉ chống chỉ định dưới 35 kg, trong khi đa số trẻ 14 tuổi trên 40 kg, nên các em đủ điều kiện sử dụng.
Tại Bình Dương, với sự hỗ trợ của Ban Quản lý các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS (Dự án EPIC), công tác phòng, chống HIV đã triển khai tiếp cận các MSM, tư vấn cho họ điều trị PrEP, tự xét nghiệm sàng lọc HIV và đáp ứng y tế công cộng.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, PrEP là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV. Với hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV có thể đến trên 90%, PrEP đã là một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV rất hiệu quả.
Bình luận (0)