Cảnh báo sự phát triển quá nhanh của công nghệ tạo phôi người bằng tế bào gốc

Khánh Như
Khánh Như
20/06/2023 16:57 GMT+7

Việc tạo phôi người mà không cần trứng và tinh trùng đã dấy lên nhiều lo ngại về khía cạnh đạo đức cũng như pháp lý.

Tờ South China Morning Post ngày 20.6 cho hay các nhà khoa học đã lần đầu tiên kêu gọi giới chức hữu quan có quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển phôi người trong phòng thí nghiệm.

Trong tuần qua, các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Anh cho biết họ đã tạo ra cấu trúc giống như phôi người tổng hợp đầu tiên trên thế giới từ tế bào gốc trong phòng thí nghiệm. Những cấu trúc giống như phôi thai này đang ở giai đoạn phát triển sớm nhất của con người, tức chưa hình thành não và tim, theo đài CNN.

Cảnh báo sự phát triển quá nhanh của công nghệ tạo phôi người bằng tế bào gốc - Ảnh 1.

Một lồng ấp được sử dụng để phát triển phôi chuột tổng hợp trong một thí nghiệm vào năm 2022

AFP

Tế bào gốc là loại tế bào đặc biệt với khả năng tự đổi mới và biệt hóa thành các loại tế bào có các chức năng khác nhau trong cơ thể. Điều này đồng nghĩa nó có thể tự lắp ráp thành một cấu trúc giống như phôi mà không cần tinh trùng, trứng cũng như quá trình thụ tinh.

Mục đích của việc nghiên cứu là xây dựng một mô hình để nhà khoa học tìm hiểu về phôi người, điều mà trước đây khó thực hiện do những lo ngại về đạo đức, với hy vọng hiểu thêm nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền, vô sinh, sẩy thai và các vấn đề khác trong thai kỳ.

Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu nhấn mạnh rằng họ không có ý định cấy mô hình phôi thai vào tử cung con người, và ngay cả khi điều này được thực hiện thì cũng không thể tạo nên thai nhi. Dù vậy, tốc độ khám phá trong lĩnh vực này và sự phức tạp ngày càng tăng của các mô hình đã khiến các chuyên gia đạo đức sinh học gióng hồi chuông cảnh báo, bởi chúng ngày càng tiệm cận ranh giới tạo ra sự sống.

Dù phục vụ mục đích nghiên cứu, việc phát triển phôi bằng tế bào gốc cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về pháp lý và đạo đức. Nhiều quốc gia, gồm cả Mỹ, không có luật quản lý việc tạo hoặc xử lý phôi nhân tạo. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu vẫn chưa được xác thực, bởi chưa có sự đánh giá lẫn nhau.

“Không giống như phôi người được tạo ra từ quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), vốn đã có khung pháp lý, hiện tại không có quy định rõ ràng nào quản lý các mô hình phôi người có nguồn gốc từ tế bào gốc", ông James Briscoe, phó giám đốc nghiên cứu tại Viện Francis Crick (Anh) cảnh báo.

“Có nhu cầu cấp thiết về các quy định để cung cấp một khuôn khổ cho việc tạo ra và sử dụng các mô hình phôi người có nguồn gốc từ tế bào gốc”, ông Briscoe nói thêm. Ông cũng kêu gọi các nhà nghiên cứu phôi thai “tiến hành một cách thận trọng, cẩn thận và minh bạch” để ngăn những tác động những bước đi sai lầm có thể gây hậu quả cho xã hội.

Đại học Cambridge (Anh) hôm 16.6 cho biết họ đã khởi động một dự án phát triển khung quản trị đầu tiên cho các mô hình phôi người dựa trên tế bào gốc ở Anh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.