* Cá tầm nhập lậu “tập kết” ở sân bay
Hôm qua (11.6), cuộc họp bàn và triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với nông sản đã diễn ra tại Hà Nội.
Ông Phùng Hữu Hào, Cục phó Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết 3 đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra 25 bếp ăn tập thể, siêu thị và cơ sở chế biến tại 9 tỉnh, thành phố đã phát hiện 17 cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về ATVSTP. Các vi phạm chủ yếu là thiếu bảo hộ lao động, cơ sở vật chất không đảm bảo (nền còn đọng nước, nhà kho chung với nhà vệ sinh…), nguyên liệu để dưới sàn nhà, sử dụng thịt không dấu kiểm soát giết mổ, sổ ghi chép không rõ ràng, không có giấy chứng nhận ATVSTP, không biết rõ nguồn gốc đầu vào… Các đoàn thanh tra đã đề nghị các tỉnh, thành phố kịp thời chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm.
Ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cảnh báo thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng người giết mổ bơm nước cho gia súc trước khi giết mổ để tăng trọng lượng của thịt sau khi giết mổ. Tại Cà Mau, cơ quan hữu trách đã bắt 35 vụ bơm nước vào gia súc. Lực lượng chức năng cũng phát hiện các hành vi tương tự tại TP.HCM, Long An.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu yêu cầu: “Chúng ta không làm theo kiểu chạy theo sự vụ, phải kiểm soát từ gốc tại cơ sở giết mổ, tập trung vào cơ sở nhỏ lẻ, giám sát trước giết mổ”.
Ở góc độ khác, cũng trong cuộc họp, Tổng cục Thủy sản cảnh báo cá tầm nhập lậu vào nội địa qua các tỉnh biên giới phía bắc đều “tập kết” tại sân bay Nội Bài rồi theo đường hàng không để xâm nhập thị trường các tỉnh phía nam. Muốn chặn cá tầm nhập lậu, cần phải kiểm soát chặt ở sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất. Trên thực tế, khi lực lượng thú y và quản lý thị trường vào cuộc quyết liệt tại các sân bay này thì cá tầm nhập lậu chuyển vào nam bị đẩy lùi gần như hoàn toàn. Tuy nhiên, khi lực lượng hữu trách chùng xuống thì tình trạng này lại tái diễn.
Gạo VN gặp khó ở Mỹ Tại cuộc họp, ông Phùng Hữu Hào cho biết vừa qua, Tổng công ty lương thực miền Bắc đã xuất một lô hàng gạo theo hợp đồng với Công ty American Rice Inc., (Mỹ). Tuy nhiên, khi tàu chưa đến cảng thì đã gặp sự phản đối của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh gạo sở tại. Họ cho rằng việc nhập khẩu gạo VN sẽ tạo sự cạnh tranh và phá vỡ sự thống nhất thị trường gạo của Mỹ. Liên đoàn Các nhà kinh doanh gạo Mỹ đề nghị kiểm soát an toàn thực phẩm chặt chẽ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng như chì đối với gạo nhập khẩu từ VN. Đến nay, lô hàng này vẫn chưa được giải phóng khỏi tàu. Ông Hào cho biết Tổng công ty lương thực miền Bắc đã cử một đoàn sang Mỹ làm việc với đơn vị nhập khẩu để chuyển lô hàng sang nước thứ 3. Tuy nhiên, đơn vị nhập khẩu vẫn chưa chuyển lô hàng đi mà đang đợi kết quả phân tích. |
Phát hiện lò mổ lậu chuyên giết heo bệnh Trưa 11.6, Đội CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an H.Thống Nhất (Đồng Nai) đột nhập vào lò mổ heo lậu do Bùi Mạnh Chinh (34 tuổi, ngụ xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất) làm chủ, phát hiện rất nhiều heo bệnh đang giết mổ. Tại hiện trường, có 3 người đang mổ heo, thịt vứt bừa bãi giữa sàn nhà dơ bẩn. Cạnh đó có 3 thùng xốp đang chứa khoảng 20 con heo đã xẻ thịt đang được ướp đá, chờ mang đi tiêu thụ nhưng đã ngả màu thâm đen, bốc mùi hôi thối. Chinh khai nhận mua số heo trên của các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã, sau đó về xẻ thịt đem bán. Do không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không giấy kiểm dịch động vật, nên cơ quan chức năng đã tịch thu toàn bộ số thịt heo để xử lý tiêu hủy. Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 10.6, tại khu vực cầu Sập trên QL1, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa (Đồng Nai), Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.Biên Hòa phối hợp với lực lượng CSGT kiểm tra xe khách 17B - 002.55, do Vũ Ngọc Tân (36 tuổi, quê Thái Bình) điều khiển. Qua đó phát hiện nhiều thùng xốp chứa tổng cộng 300 kg thịt heo không có giấy tờ kiểm dịch cũng như nguồn gốc xuất xứ. Tài xế khai nhận số thịt trên được một chủ hàng thuê chở từ Thái Bình vào TP.HCM tiêu thụ. Kim Cương |
Quang Duẩn
Bình luận (0)