Cảnh báo tình trạng lạm dụng phân bón trong sản xuất lúa

02/10/2024 17:45 GMT+7

Việt Nam là một trong những nước sử dụng phân bón nhiều nhất trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón dư thừa đang gây nên tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp.

Ngày 2.10, tại TP.Cần Thơ, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam và Công ty CP Phân bón Bình Điền phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia Đất và phân bón lần 1 năm 2024 với chủ đề "Thực trạng độ phì nhiêu thực tế đất lúa vùng ĐBSCL và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa".

Cảnh báo tình trạng lạm dụng phân bón trong sản xuất lúa- Ảnh 1.

Việc sử dụng phân bón dư thừa đang gây nên tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp

ẢNH: THANH DUY

TS Phùng Hà, Chủ tịch Hội phân bón Việt Nam cho biết, việc trồng lúa trên thế giới đang bị chi phối bởi phân bón hóa học. Theo Tạp chí Nature năm 2022, trung bình 1ha lúa tại Trung Quốc dùng 290 kg phân bón mỗi năm, tại Việt Nam dự đoán từ 200 - 300 kg. Việc sử dụng phân bón nhiều không mang lại hiệu quả vì cây trồng trung bình chỉ hấp thụ khoảng một nửa lượng nitơ nhận được từ phân bón. Phần lớn lượng phân bón sử dụng chảy xuống các dòng nước, hoặc bị vi khuẩn trong đất phân hủy, giải phóng khí nitơ oxit gây hiệu ứng nhà kính mạnh. Oxit nitơ chỉ chiếm một phần nhỏ lượng phát thải khí nhà kính, nhưng oxit nitơ làm nóng hành tinh gấp khoảng 300 lần so với carbon dioxide.

"Việc sử dụng kết hợp phân bón vô cơ và hữu cơ sinh học một cách hài hòa sẽ giúp sản xuất lúa bền vững và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, bà con nông dân nên áp dụng sáng kiến 4 đúng trong quản lý phân bón: đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng lúc và đúng cách", TS Hà khuyến cáo.

GS-TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, chúng tôi có tiến hành nghiên cứu thực trạng về độ phì nhiêu của đất lúa ở ĐBSCL. Nghiên cứu tiến hành trên 76 mẫu đất ở toàn vùng ĐBSCL với 8 chỉ tiêu dinh dưỡng chính. Điều đáng ngạc nhiên là hàm lượng dinh dưỡng từng thành phần vẫn bảo đảm nhưng đáng chú ý là sự mất cân bằng giữa các thành phần này. Ví dụ, chỉ số Ca/Mg ở một số vùng dưới 1 trong khi theo khuyến cáo từ Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI chỉ số này tốt nhất phải từ 3 - 4. Sự mất cân bằng này làm cho cây lúa hấp thu dinh dưỡng kém, hiệu quả và năng suất giảm. "Để khắc phục tình trạng này, bà con nông dân cần phải cải tiến kỹ thuật canh tác và áp dụng các giải pháp sử dụng phân bón hợp lý", GS Bảo Vệ khuyến cáo.

Cảnh báo tình trạng lạm dụng phân bón trong sản xuất lúa- Ảnh 2.

Thỏa thuận hợp tác giữa Bình Điền và các doanh nghiệp về thực hiện chương trình Canh tác lúa thông minh, giảm phát thải vùng ĐBSCL giai đoạn 2024 - 2027

ẢNH: THANH DUY

Trong 6 năm qua với 500 mô hình sản xuất "Canh tác lúa thông minh" mà Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty CP Phân bón Bình Điền phối hợp thực hiện ở 13 tỉnh thành ĐBSCL luôn cập nhật tiến bộ kỹ thuật, tăng tính chủ động trong canh tác một cách thông minh trước những tác động của biến đổi khí hậu và thị trường. Hiệu quả mô hình giúp lúa tăng năng suất trung bình 0,5 tấn/ ha, chi phí canh tác giảm 1 triệu đồng/ha và lợi nhuận sản xuất lúa tăng 5 triệu đồng/ha.

Cảnh báo tình trạng lạm dụng phân bón trong sản xuất lúa- Ảnh 3.

Thỏa thuận hợp tác giữa Bình Điền và IRRI về nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý rơm rạ trên đồng ruộng giai đoạn 2024 - 2027

ẢNH: THANH DUY

Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đề xuất nhiều giải pháp thiết thực trong việc phát triển lúa bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bón phân đừng nghĩ đến phân bón mà nghĩ tới đất đai và cây trồng trước. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì tình trạng lạm dụng phân bón như hiện nay thì vài chục năm sau con cháu chúng ta có còn canh tác được nữa không. Chúng ta cần phải thay đổi tư duy và hành động để giải phóng dinh dưỡng trong đất. Bên cạnh đó cần nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý rơm rạ trên đồng ruộng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.